Chiếc cầu bắc qua con suối được người dân trong vùng thường nhắc đến với nhiều nỗi lo ngại. Cứ mưa lớn thì nước suối dâng lên, ngập hơn mặt cầu đến cả mét.
Ông Đông - Tổ trưởng tổ dân phố Đa Thiện 1, phường 8, thành phố Đà Lạt, nơi có đến 100 hộ dân thường bị xáo trộn cả sinh hoạt lẫn sản xuất bởi ngập lụt từ con suối. Hai tháng trước, ông Đông vận động các hộ dân cùng đóng góp hơn 50 triệu đồng để nạo vét dòng suối.
Chiều 26/6, một trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ trên địa bàn thành phố Đà Lạt nhưng dọc theo con suối vừa được khơi thông, các nhà vườn thoát được cảnh ngập lụt. Điều này càng khiến người dân thêm đồng lòng, nếu chung tay giữ con suối được thông suốt, nước thoát nhanh thì nỗi lo ngập lụt mới được đẩy lùi.
Năm ngoái, nhiều lần, nước từ suối Mê Linh dâng lên, tràn vào khu dân cư. Khi đó, nhiều gia đình trở tay không kịp. Các khu vườn canh tác cũng thường xuyên bị ngập lụt nên đành phải bỏ hoang. Năm nay, ngập lụt được hạn chế đáng kể. Thay đổi bắt đầu từ khi con suối được nạo vét. Sau khi nạo vét con suối, các tổ dân phố ở Đà Lạt tổ chức tuyên truyền, lưu ý về trách nhiệm của từng gia đình để làm sao các con suối giữ được thông thoáng.
Trên 20 dòng suối có chiều dài hơn 4 km trong lòng Đà Lạt là một phần trong không gian sống ở phố núi. Mùa mưa, các con suối là đường thoát nước tự nhiên hết sức quan trọng, giảm bớt nguy cơ ngập lụt cục bộ khi Đà Lạt bị bê tông hóa. Nếu cộng đồng cư dân đều nhận thấy giá trị của những con suối, chung tay giữ dòng chảy thông thoáng thì khi đó, mới giảm được mối nguy ngập lụt từ những con suối trong lòng đô thị trên cao nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!