TP Hồ Chí Minh đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 liên tục tăng ở 3 - 4 con số. Các khu cách ly tập trung liên tục được mở ra. Các kịch bản đã liên tục được đặt ra từ 5.000 ca đến 10.000 ca và 15.000 ca để chuẩn bị ứng phó. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự lây lan mạnh của virus nếu không có biện pháp mạnh để chặn đứng sẽ khiến hệ thống y tế quá tải gây nên những hậu quá khó lường. Do đó, việc áp dụng Chỉ thị 16 lúc này là hoàn toàn đúng đắn.
"Thực hiện Chỉ thị 16 sẽ giúp làm giảm đường lây truyền của virus và chúng ta sẽ chặn đứng được đường lây của virus. Đồng thời chúng ta phải xét nghiệm thật nhanh, trả kết quả thật nhanh thì mới có thể chặn đứng được và không phải kéo dài Chỉ thị" - TS. BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nói.
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chỉ lác đác vài chiếc xe qua lại. Ảnh: Báo Người lao động.
Các chuyên gia cho rằng 15 ngày giãn cách phải được thực hiện thực chất quyết liệt để chặn đứng đường lây của virus.
"Thực hiện Chỉ thị có vai trò then chốt để chúng ta quyết định được thành công của đợt dịch lần này. Chỉ thị 16 không phải là khẩu hiệu mà đó phải là những hành động thực chất, tức là nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm thì chúng ta mới mang lại hiệu quả chống dịch" - TS. BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nói.
"Giãn cách thực sự phải có hiệu quả và phải thực sự là giãn cách, đặc biệt là trong thôn xóm nhỏ" - BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nhấn mạnh.
Các giải pháp kiểm soát đã được lực lựợng chức năng triển khai tại khắp các chốt trong thành phố. Tuy vậy, sự thành công của giãn cách đòi hỏi còn nhận được sự đồng lòng của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!