Gian nan ở nhà tạm cư

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 01/07/2022 21:34 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội có khá nhiều khu nhà tạm cư thế nhưng một điều trớ trêu là nhiều khu nhà tạm cư hiện cũng đang rơi vào tình cảnh nhà xuống cấp nguy hiểm.

Những hệ thống ống kỹ thuật vỡ nát rò rỉ nước thải, những bức tường mục nát thấm dột rêu xanh hôi thối dọc các hành lang, những nền nhà bong tróc phồng rộp, những khu nhà cứ mưa là ngập hết hầm để xe, ngập tới tầng 2 với những cầu thang máy liên tục hỏng trong nhiều năm.

Chỗ nào xuống cấp, hỏng hóc thì người dân phải tự bỏ tiền ra sửa. Còn chủ đầu tư dù có dán giấy thông báo sẽ sửa chữa cải tạo những chỗ hỏng nhưng kỳ lạ là chưa bao giờ thấy xuất hiện để sửa chữa cải tạo như thông báo.

Đó là tình cảnh của những người dân đang sống tại khu tái định cư, tạm cư của các khối nhà CT1 A, B, C tại KĐT thành phố giao lưu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Và người dân ở đây xót xa nói với chúng tôi rằng họ như bị Thành phố "bỏ rơi" khi tạm cư ở đây.

Người dân ở đây có cả người từ những khu giải phóng mặt bằng, giao đất giao nhà cho các dự án; có cả người đã - đang và sẽ di dời từ hàng trăm khu tập thể - chung cư cũ nát nguy hiểm cấp độ D về đây tạm cư. Nhưng cứ nhìn thấy tình cảnh sập sệ, cũ nát, xuống cấp này thì không ai cảm thấy yên tâm mà tạm cư.

Thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có khoảng 75% hộ dân trong các khu tập thể xuống cấp đã được di dời đến các khu tái định cư, tạm cư này.

Cơ quan quản lý thì cho rằng nguồn phí bảo trì các khu tạm cư của Thành phố hạn hẹp và họ cũng chẳng có bất cứ động thái can thiệp nào tới việc sửa chữa những khu tạm cư này. Còn hàng chục nghìn người dân vẫn phải sống chung với những khu tạm cư - bề ngoài nhìn thì chẳng đến nỗi nào nhưng bên trong thì mục ruỗng, đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Đúng là nhà tạm cư nên cuộc sống cũng tạm bợ như cách nhiều người dân đang sống ở đây chia sẻ. Hà Nội có khoảng 1.500 căn tập thể, chung cư cũ được xây dựng từ năm 1954 - 1994. Trong đó có hàng trăm khu nhà xuống cấp nguy hiểm mức độ D - mà tới đây sẽ di dời hàng nghìn người dân tới các khu nhà tạm cư. Vì thế việc đảm bảo chất lượng nơi tạm cư cũng là vấn đề cấp bách không kém gì việc xây lại các chung cư, nhà tập thể cũ nát. Còn việc cải tạo những chung cư cũ, khu tập thể cũ của Hà Nội thì ì ạch suốt nhiều năm vẫn chỉ là bàn bạc thảo luận mà chưa biết đến bao giờ mới bắt tay vào cải tạo xây mới được.

Cải tạo chung cư cũ vẫn dừng ở bàn bạc

10 khu chung cư cũ sẽ được triển khai cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn đến 2025, gồm 6 khu có tính khả thi cao và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, là công tác an sinh xã hội, trong đó vai trò của Nhà nước là chủ đạo trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu đề ra là thế suốt nhiều năm nhưng tới thời điểm này vẫn chẳng có chủ đầu tư nào mặn mà đầu tư xây mới.

Nghị định 69 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 9 năm ngoái, đưa ra các cơ chế, chính sách để các địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong về cơ chế đền bù, về tỷ lệ đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, với doanh nghiệp từng xây mới chung cư cũ Nhà B6 - Giảng Võ - Hà Nội, người đại diện nhận định, Nghị định mới vẫn chưa có quy định giám sát số hộ dân tại thời điểm trước và sau đầu tư xây mới chung cư, bởi lo ngại nhất vẫn là việc số hộ dân tăng đột biến so với điều tra ban đầu, ảnh hưởng tới phương án đền bù.

Cải tạo chung cư cũ, tập thể cũ, khó nhất là xác định hệ số đền bù và lựa chọn nhà đầu tư. Không xác định được hệ số đền bù thì không chủ đầu tư nào vào xây mới. Và cũng vì thế suốt nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa có bất cứ tiến triển nào trong việc cải tạo chung cư cũ, khu tập thể cũ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước