Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều tỉnh thành đang gấp rút triển khai chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát cho người dân. Tuy nhiên với nhiều người dân, những khó khăn về tài chính, đất đai khiến việc có được 1 ngôi nhà vững chãi không hề đơn giản.
Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng ông Thành vẫn là lao động chính của gia đình khi người con hơn 40 tuổi của ông bị bệnh không lao động được. Dù nằm trong diện hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng ông không biết lấy đâu tiền đối ứng để xây nhà mới.
Ở tỉnh Hòa Bình, những trường hợp như ông Thành không phải là hiếm. Để xây dựng được một căn nhà 40m2 đến 60m2, một tầng có tường cứng, vách cứng và mái cứng thì ít nhất cũng phải mất khoảng trên 100 triệu đồng. Trong khi đó số tiền được nhà nước hỗ trợ chỉ có 50 triệu đồng. Đối với những hộ nghèo, không hề dễ dàng để vay mượn được 50 triệu nữa.
Gia đình bà Tư lại không thể xây nhà vì đang ở trên đất lâm nghiệp. Do pháp lý không rõ ràng nên dù có mong muốn làm nhà và được hỗ trợ bà cũng chưa thể có được căn nhà mới che nắng, che mưa cho cả gia đình. Ở Hữu Sản, tình trạng người dân đang ở trên đất lâm nghiệp khá phổ biến và nếu không được tháo gỡ vướng mắc này thì vẫn còn nhiều hộ dân phải sống trong các căn nhà tạm bợ, không đảm bảo cuộc sống.
Xây dựng một ngôi nhà cho người nghèo không chỉ tạo ra nơi trú ngụ mà còn tạo dựng niềm hy vọng, sự ổn định để họ vươn lên trong cuộc sống. Để điều đó thành hiện thực cần sự chung tay từ cả cộng đồng, nhà nước và các tổ chức xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!