Năm học mới cận kề, vấn đề đáp ứng đủ trường lớp cho học sinh tại các khu vực quá tải càng trở nên bức thiết. Nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động tại khu công nghiệp ngày càng tăng cao bởi hầu hết họ đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ. Thế nhưng số lượng nhà trẻ để đáp ứng nhu cầu của người lao động vẫn rất ít, đây là bài toán khó chưa có lời giải.
Công nhân khu công nghiệp loay hoay tìm chỗ gửi con
Vài năm trước, khi về địa phương làm công nhân, chị Nguyễn Thị Hồng Huệ và chị Vy Thị Linh vẫn còn là những nữ thanh niên 18, 20. Còn giờ đây ai cũng con bồng con bế. Khi thời gian nghỉ thai sản khép lại, mối lo thường trực của họ là tìm chỗ gửi con.
Trong khi vợ chồng Huệ có thể loay hoay bố trí lịch làm so le thì Linh lại buộc phải tạm thời nghỉ việc để ở nhà trông con.
"Một mình chồng em đi làm thì vất vả lắm, chất lượng cuộc sống không đảm bảo, giá cả tăng, chi tiêu nhiều" - chị Vy Thị Linh, công nhân chia sẻ.
Hiện nay, đa phần các trường mầm non công lập đều chưa nhận trẻ dưới 36 tháng. Đặc thù làm việc ca kíp cũng khiến các gia đình chỉ có thể lựa chọn gửi con ở các nhóm trẻ độc lập hay trường mầm non tư thục.
Lúc này đây, áp lực tài chính khi về học phí lại là mối lo lớn của họ bởi học phí tư thục thường quá sức so với thu nhập eo hẹp của công nhân.
Anh Lê Duy Mạnh - công nhân - chia sẻ: "Cuộc sống mà, vì con cái mình vẫn phải gửi, học phí chấp nhận cao hơn trường công".
"So với trường công, học phí cao gấp đôi, nếu học thêm cao gấp 3 nữa" - chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân, nói.
Thực tế một tỉ lệ lớn người lao động phải chấp nhận sống xa con. Tại công ty này, trong 5 công nhận được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phỏng vấn ngẫu nhiên thì có tới 4 người đang phải gửi con tại quê nhà.
Trẻ được đi học, cha mẹ có thể an cư mà lập nghiệp đang là mong mỏi có thật của hàng nghìn bậc phụ huynh công nhân.
Sở dĩ công nhân không có nhiều lựa chọn nơi gửi gắm con em là bởi hiện nay tại hầu hết các khu công nghiệp đều đang thiếu mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non. Hiện nay, con em công nhân đang được học tại các trường công lập ít hơn so với các cơ sở ngoài công lập. Thực tế này cho thấy cần có những chính sách cụ thể để hướng đến "đối tượng đích" là con em công nhân ở các khu công nghiệp.
Cần chính sách riêng cho giáo dục mầm non trong khu công nghiệp
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội hiện có hơn 60.000 lao động với hàng nghìn trẻ nhỏ, thế nhưng mới chỉ có 3 trường mầm non công lập. Đăng ký cho con đi học mầm non từ 1 năm trước nhưng đến năm nay chị Trần Thị Dương mới có thể đưa con đến trường. Không thể cho con vào trường công lập, trường tư thục thì học phí lại cao, chị đành cho con học ở nhóm trông giữ trẻ độc lập gần nhà.
Thực tế sự biến động không ngừng về số lượng công nhân cũng khiến cho việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường càng thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học. Toàn xã Vân Trung, huyện Việt Yên hiện, tỉnh Bắc Giang đang có khoảng 16.000 công nhân tạm trú, con số này gấp rưỡi so tổng cư dân địa phương. Tốc độ xây mới trường lớp khó mà theo kịp với tốc độ gia tăng dân số cơ học tại đây.
Là trường mầm non có quy mô lớn tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, những năm học gần đây, trường Mầm non Hoàng Ninh liên tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể đón thêm học sinh là con công nhân đang tạm trú trên địa bàn. Tuy nhiên, chăm sóc nhóm trẻ này cũng đặt ra thách thức với nhà trường bởi cha mẹ các em thường xuyên đón ngoài giờ. Cô thì không thể bỏ trò mà việc làm ngoài giờ cũng không có cơ chế chi trả.
Vì thế trong khi hệ thống trường lớp công lập chưa đáp ứng được nhu cầu thì trường lớp tư thục và nhóm trẻ tư thục độc lập thành lập nhanh: nhiều nhóm vượt quá số trẻ theo quy định, nhiều nhóm thiếu thốn về cơ sở vật chất và điều kiện nuôi dạy.
Xây dựng chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non trong khu công nghiệp vì thế càng trở nên cấp thiết khi mà năm học mới đang tới cận kề.
Giám sát chính sách giáo dục mầm non tại khu công nghiệp
Liên quan đến vấn đề này, thời gian vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND một số tỉnh thành về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã tthảo luận nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp như thiếu giáo viên, áp lực số lượng học sinh tăng cao ở các cơ sở giáo dục trong khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em công nhân được vào học các cơ sở giáo dục công lập... Kết quả của đợt giám sát sẽ là căn cứ thực tế quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham mưu, đề xuất các chính sách phù hợp.
Tại Bắc Giang, với gần 200.000 công nhân lao động và sinh sống ở khu công nghiệp huyện Việt Yên, số lượng trẻ mầm non tại đây tăng nhanh và không ổn định. Địa phương đã ưu tiên tối đa nguồn lực đầu tư cho trường mầm non để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, duy trì bền vững tiêu chí phổ cập mầm non 5 tuổi.
Bắc Giang: Gỡ khó để phát triển trường lớp cho con em công nhân
Một cơ sở giáo dục mầm non tư thục được xây dựng và vận hành theo các tiêu chuẩn chất lượng cao. Thụ hưởng chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa theo hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh Bắc Giang, trường mầm non Vschool đã được hỗ tiền giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, tiền đồ dùng học tập. Chi phí đóng góp của phụ huynh vì thế cũng phần nào được giảm tải.
Để bảo đảm nhu cầu gửi con của công nhân, trên địa bàn các khu công nghiệp tỉnh hiện có 14 trường mầm non tư thục đang hoạt động và có 10 dự án xây dựng trường mầm non tư thục đã được chấp thuận đầu tư, đang xây dựng.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết: "Đầu tư để thu hút các doanh nghiệp về xây trường, tỉnh chỉ bỏ ra 31 tỷ nhưng đã kêu gọi được các doanh nghiệp bỏ ra hơn 400 tỷ để xây dựng trường lớp, góp phần đảm bảo đủ trường để học sinh đến tuổi mẫu giáo là có thể đi học".
Năm học này, các cô giáo mầm non ngoài công lập cũng sẽ phần nào yên tâm công tác khi UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề xuất chính sách mua bảo hiểm y tế và chi trả tiền trông trẻ ngoài giờ, với mức dự kiến 800.000 đồng/tháng.
Song song với các chế độ đãi ngộ, các trường mầm non ngoài công lập còn được hỗ trợ các điều kiện để đảm bảo chất lượng. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang đã giao trách nhiệm cho các trường mầm non công lập đồng hành, giúp đỡ các nhóm trẻ hoạt động an toàn, hiệu quả.
Gánh lo học phí của người lao động cũng phần nào được san sẻ khi tỉnh dự kiến hỗ trợ mỗi con em công nhân 160.000 đồng/tháng. Để giải bài toán trường mầm non trong khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, khó khăn thách thức vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành đều thể hiện ý chí: Lo chỗ học cho con em công nhân hôm nay cũng chính là vun đắp cho tương lai của Bắc Giang mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!