Sau 3 năm chờ đợi, anh Trần Đình Tiến (xã Hiệp Cát, Nam Sách, Hải Dương) mới được xuất cảnh sang Hàn Quốc vào thứ 3 tuần tới.
Còn anh Phạm Văn Kỷ (xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên), đây là lần thứ 2 anh sang Hàn Quốc. Lần đi này anh đặt mục tiêu học tập quản lý và nâng cao tay nghề để hết hợp đồng, trở về mở xưởng cơ khí của mình.
Đây là 2 trong số 6.500 lao động đã thi đỗ nhưng chưa đi được do dịch bệnh COVID-19 và vướng mắc về ký quỹ.
Theo quy định, người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo hoàn thành đúng hợp đồng, hết hạn về nước sẽ được trả lại số tiền này. Song điều này lại mâu thuẫn với các quy định xử phạt hành chính, còn lao động không vay được tiền của ngân hàng chính sách để thực hiện ký quỹ.
Bà Yun Jae Yeon - Trưởng Văn phòng Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam HRD - cho biết: "Nghị định quy định chế độ ký quỹ được áp dụng ở Việt Nam từ năm 2013 bị hết hạn nên Hàn Quốc chỉ tiến hành cho xuất cảnh được đối với 1.200 lao động đã ký quỹ và hoàn thành đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước xuất cảnh. Từ ngày 8/7 năm nay, Nghị quyết quy định về ký quỹ mới được ban hành nên vấn đề ký quỹ đã được giải quyết triệt để. Nửa cuối năm 2022, dự kiến Việt Nam sẽ phái cử số lượng lao động rất lớn sang Hàn Quốc và không gặp bất cứ trở ngại nào về thủ tục hành chính".
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83, cho phép được xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng nếu lao động đi Hàn Quốc bỏ trốn. Nhờ đó, hơn 4.000 người lao động đã được vay vốn ký quỹ và số người xuất cảnh cũng tăng lên đáng kể.
Nhu cầu về lao động của phía Hàn Quốc đang tăng cao và có thể mở thêm hạn ngạch cho Việt Nam. Do đó, các quy định kịp thời của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động.
Ngoài 6.500 lao động đủ điều kiện sẽ được xuất cảnh thì mỗi tháng, Hàn Quốc có thể tiếp nhận thêm 2.000 lao động Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!