Khi rác thải sinh hoạt còn không dễ để xử lý thì rác thải xây dựng thực sự là bài toán khó với chính những gia đình xây sửa nhà cửa. Rác thải xây dựng sẽ đi đâu? Hành trình luôn bắt đầu khi trời tối. Những hình ảnh trong Tiêu điểm của Chuyển động 24h trưa 20/2.
Nở rộ dịch vụ phá dỡ nhà cửa, vận chuyển phế thải xây dựng
Hơn 1 tuần qua, nhiều địa bàn ở Hà Nội lại lâm vào tình cảnh ùn ứ rác thải, khi từ ngày 7/2, khu xử lý rác thải Xuân Sơn, một trong hai khu xử lý rác thải sinh hoạt lớn phải tạm dừng tiếp nhận rác để giải quyết một số vấn đề liên quan.
Phía thành phố Hà Nội cũng đã lên phương án để xử lý rác thải tồn đọng, nhưng người dân ở một số địa bàn cả nội thành lẫn ngoại thành lại đang phải "nín thở" tránh ô nhiễm vì rác chưa được vận chuyển đi. Bên cạnh rác thải sinh hoạt, việc thu gom phân loại xử lý rác thải xây dựng- hay còn gọi là "trạc thải" - những thứ phế thải bỏ đi từ quá trình phá dỡ, thi công nhà cửa, công trình, dự án… cũng là vấn đề nhức nhối, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay.
Sau khi phá dỡ nhà cửa để sửa sang hay xây mới, việc vận chuyển phế thải xây dựng hay cách gọi khác là "trạc thải" sẽ là việc bắt buộc phải làm với mỗi chủ nhà. Có cầu ắt có cung, vì thế, dịch vụ trọn gói "phá dỡ nhà kèm vận chuyển trạc thải" giờ đang nở rộ với nhiều hội nhóm để đáp ứng, khi nhu cầu gia tăng.
Thực tế tại tất cả các phường trên địa bàn TP. Hà Nội đều có các đầu mối kinh doanh vật liệu xây dựng kiêm nhận phá dỡ, vận chuyển trạc thải công trình. Theo quy định, các cá nhân, đơn vị hành nghề này phải có hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng với cơ sở được cấp phép và đủ điều kiện tiếp nhận. Tuy nhiên, thực tế có ký hợp đồng và đổ đúng nơi cho phép hay không thì không phải đầu mối nào cũng đáp ứng.
Thậm chí, tự tin có hợp đồng với đơn vị được cấp phép tiếp nhận xử lý trạc thải, một đầu mối hành nghề vận chuyển "rác" khác lại tiết lộ, có thể bán bộ hồ sơ này cho người khác nếu có nhu cầu.
Còn về phía một số phường, khi làm việc với phóng viên, họ đều khẳng định các công trình nhà ở được cấp phép xây dựng trên địa bàn đều có hợp đồng thể hiện trạc thải được vận chuyển đến cơ sở đủ điều kiện tiếp nhận. Tuy nhiên, thực tế có đúng như trên giấy tờ hay không thì phía phường lại không nắm được.
Trong quá trình theo dõi, nhóm phóng viên đã phát hiện tình trạng đổ "trạc thải" trái phép diễn ra khắp nơi ở địa bàn Hà Nội. Chỗ lấp ao hồ, chỗ san đồng ruộng và chỗ thì trạc thải lại chất cao như núi… dù ngay giữa nội thành Hà Nội.
Có nơi trạc thải lại chất cao như núi dù ngay giữa nội thành Hà Nội.
Hàng ngày rất nhiều lượt phương tiện vẫn tấp nập đến đây và cho mình cái quyền được đổ trạc, vì chẳng mấy khi bị ngăn chặn.
Góc khuất phía sau những chuyến xe đổ phế thải xây dựng
Vì là dịch vụ tự phát nên mỗi đầu mối thu gom trạc thải nhận một giá. Và căn cứ tính tiền cũng có nhiều kiểu khác nhau. Nhà càng trong ngõ, giá thuê đổ trạc thải lại càng cao. Đơn cử sau khi đập phá một căn nhà 3 tầng, chủ nhà đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để thuê vận chuyển đống phế thải ở đây. Vì chỉ toàn gạch đá lại chẳng biết vận chuyển đi đâu nên người dân buộc phải thuê đổ với mức giá mà các đầu mối làm nghề này tự đưa ra.
Sau khi đập phá một căn nhà 3 tầng, chủ nhà đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để thuê vận chuyển đống phế thải ở đây.
Dù với các chủ nhà, trạc thải là thứ bỏ đi và phải mất rất nhiều tiền để thuê đổ như vậy. Nhưng khi gom về bãi tập kết, trạc thải lại biến thành thứ hàng hóa tạo ra lợi nhuận để bán cho những người có nhu cầu cần san lấp ao hồ, đổ móng làm nền công trình.
Chỉ sau một đêm, ông chủ thửa đất ở thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã san phẳng khu vực rộng cả nghìn m2 - vốn dĩ là đất ao, đất vườn bằng hàng chục chuyến xe chất đầy trạc thải.
Người mua cần trạc thải lấp ao, còn người bán thì lại thu được tiền. Ai cũng đạt được mục đích của mình nên trạc thải dùng để san lấp tại đây dù vẫn còn lẫn đủ loại rác, nilon, cũng chẳng ai quan tâm đến.
Vòng tròn khép kín ấy khiến trạc thải trở thành món hàng tạo ra lợi nhuận "kép", lời cả đôi đường - từ khâu thu gom đến khi đem bán. Bởi thế, theo tiết lộ của một số đầu mối làm dịch vụ thu gom trạc thải, không phải ai cũng làm được trong lĩnh vực này nếu chưa hiểu "luật ngầm" ở từng địa bàn.
Cách đây không lâu, vào hồi tháng 8 năm 2022, một ổ nhóm bảo kê hoạt động kinh doanh, vận chuyển phế thải và vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ đã bị cơ quan công an triệt phá. Vì phát hiện có xe thu gom phế thải khác đến địa bàn mà nhóm này đang thâu tóm nên các đối tượng đã mang theo hung khí chặn đầu, đập phá xe, đe dọa tài xế… Vụ án xảy ra đã hé lộ những góc khuất đằng sau những chuyến xe thu gom phế thải xây dựng ở nội thành Hà Nội.
San lấp trạc thải trái phép: Sông Hồng kêu cứu!
Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo ước tính, hiện mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh khoảng 4.000 tấn chất thải rắn xây dựng. Ngần ấy tấn trạc thải phát sinh, nếu không được thu gom, phân loại để xử lý thì thảm cảnh Hà Nội ngập trong phế thải xây dựng vẫn đang hiện hữu.
Trong khi đó, ngoài bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh đã bị quá tải, thành phố mới triển khai thí điểm 2 điểm nghiền, xử lý tái chế chất thải xây dựng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội… Trải qua hơn 6 năm hoạt động, đến nay, 2 địa điểm này vẫn đang trong quá trình thí điểm, mà chưa có đánh giá cuối cùng về hiệu quả thu gom xử lý chất thải rắn. Trong khi thực tế hàng ngày, tình trạng đổ thải trái phép ra môi trường vẫn diễn ra. Và bãi sông, lòng sông Hồng cũng đã phải hứng chịu.
Bây giờ không cho đổ nhưng không có nghĩa là hoạt động đổ trạc thải trái phép trên địa bàn phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đã chấm dứt. Nằm sâu trong ngõ 76 An Dương, những ngày đầu tháng 2, từng lượt xe tải chở phế thải vẫn vào đây đổ trạc để lấn đất bãi sông Hồng.
Đất thịt cũng được tập kết sẵn, để sau khi đổ trạc thải, sẽ phủ thêm một lớp đất lên trên bề mặt. Dù giữa ban ngày, hoạt động san lấp bằng phế thải vẫn diễn ra. Bao nhiêu xe chở phế thải đi vào là bấy nhiêu xe trống đi ra.
Đất thịt cũng được tập kết sẵn, để sau khi đổ trạc thải, sẽ phủ thêm một lớp đất lên trên bề mặt
Tấc đất tấc vàng, thế nên, nhiều năm qua, địa bàn các phường giáp sông Hồng ở nội thành Hà Nội đang ra sức "chứng minh" ý nghĩa của câu nói đó bằng việc đổ trạc thải để lấn chiếm bãi sông, lòng sông… "Mạnh ai người đó lấn", nhìn từ trên cao, chỉ tính riêng đoạn từ phường Nhật Tân đến địa bàn phường Yên Phụ, phường Ngọc Thụy, tại khu vực đất bãi đã có hàng loạt khu vực đổ thải trái phép, khiến nhiều vị trí, lạch sông Hồng bị trạc thải san lấp nham nhở.
Vốn dĩ là đất công do phường Tứ Liên quản lý, nhưng bằng một cách lạ kỳ nào đó, một người đàn ông đã quây tôn đổ trạc thải suốt một dải đất rộng cả ngàn m2… Rồi dựng nhà xưởng kiên cố bằng tôn biến đất đai ở bãi sông thành đất của riêng mình.
Đổ phế thải rồi xây nhà xưởng trái phép. Điệp khúc ấy lặp lại, dần dần biến "đất công" ven sông thành đất của mỗi ông chủ khác nhau. Chẳng thế mà, ở địa bàn phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, khu vực ngoài bãi sông - giờ đã hình thành cả trăm nhà xưởng xây trái phép.
Trên địa bàn phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, khu vực ngoài bãi sông - giờ đã hình thành cả trăm nhà xưởng xây trái phép.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Tình trạng lấn chiếm đổ trạc thải khi có lũ lớn vô cùng nguy hiểm. Khi có lũ lớn sẽ có nguy cơ vỡ đê. Thực sự là thảm họa".
Chỉ trong một năm, phía Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đã gửi đi hàng chục văn bản đến UBND thành phố Hà Nội để cảnh báo những nguy cơ đe dọa đến an toàn của dòng chảy sông Hồng. Nhưng việc xử lý - ngăn chặn như thế nào để có hiệu quả thì vẫn là câu chuyện chưa có lời giải.
Với tốc độ san lấp lấn chiếm bãi sông bằng trạc thải như hiện nay, nếu vẫn tiếp diễn thì việc xóa sổ lạch sông Hồng sẽ chẳng còn là nguy cơ nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!