Ảnh minh họa.
Theo ông Lê Anh Dũng, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT Hà Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đang khẩn trương chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, kết hợp với vùng hội tụ gió, từ chiều tối và đêm 13/6 đến ngày 15/6 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh gây thiệt hại lớn về nhà cửa, giao thông, thủy lợi và hoa màu của nhân dân.
Sạt lở đất nghiêm trọng tại các xã phía nam của huyện Hoàng Su Phì.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa lớn trong đêm 13/6 đã khiến 1 người thiệt mạng do sét đánh là bà Hoàng Thị Quân (sinh năm 1967), thường trú tại thôn Xuân Hòa, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần.
Mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ngôi nhà ở huyện Hoàng Su Phì bị sạt lở đất đá. Hàng chục ha lúa mới gieo trồng và hoa màu tại các xã Thông Nguyên, Nam Sơn, Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì) bị hư hỏng. Nhiều gia súc ở các xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), xã Đông Minh (huyện Yên Minh) bị sét đánh chết.
Mưa lớn cũng làm sạt lở, hư hỏng nhiều ao nuôi trồng thủy sản ở huyện Hoàng Su Phì. Tuyến đường tỉnh lộ 177 từ huyện Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì (đoạn km 38 và km 17 đi xã Thông Nguyên) bị sạt lở ta luy dương làm ách tắc giao thông do khối lượng đất đá rất lớn tràn xuống mặt đường, ô tô không đi lại được. Nghiêm trọng hơn, nhiều tuyến kênh mương phục vụ nước tưới cho sản xuất vụ mùa và một số ruộng của bà con ở huyện Hoàng Su Phì bị sạt lở khối lượng đất đá rất lớn…
Để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lớn, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, UBND huyện Xín Mần đã trực tiếp đến động viên, thăm hỏi hộ có người chết do sét đánh với số tiền 2 triệu đồng; Phòng LĐ-TB&XH huyện Xín Mần hỗ trợ mai táng phí theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn huy động máy xúc, máy ủi hỗ trợ công tác khắc phục khối lượng sạt lở đất, đá để lưu thông các tuyến đường; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị sập nhà; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường giao thông bị sạt lở. UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại về tài sản, hoa màu để các huyện triển khai việc hỗ trợ theo quy định.
Ông Lê Anh Dũng cho biết, do diễn biến của thiên tai còn phức tạp, trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiếp tục có mưa, lượng mưa khoảng 100mm/24h, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao. Để đạt hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn cần chủ động triển khai ứng phó với mưa, dông, lốc sét và lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền đến đồng bào các dân tộc thiểu số không chủ quan, lơ là; thực hiện các biện pháp về chống sét, chằng néo mái nhà, sạt lở, phòng tránh lũ quét, ngập úng cục bộ.
Các địa phương đảm bảo vận hành hồ chứa, điều tiết hợp lý trong thời gian mưa lũ. đồng thời, triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", huy động các lực lượng xung kích trên địa bàn giúp đỡ những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao để di chuyển người và tài sản đến những nơi ở an toàn.
Nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ VTV.vn - Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa là những tỉnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!