Diễn biến, tình hình 4 tháng đầu năm 2024 và công tác chỉ đạo
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2024, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp; bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tình hình sự cố thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông cũng đã ảnh hưởng tác động nhiều đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Đáng chú ý trận động đất 4.0 độ richter trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngày 25/3/2024; trận dông lốc tối ngày 20/4/2024 làm trên 460 cây xanh, 5.600 cây ăn quả, lấy gỗ bị gãy đổ; 56 nhà bị tốc mái; 28 phương tiên bị hư hỏng; trên 370 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; sự cố sập đổ tường nhà làm 03 cháu nhỏ tử vong trên địa bàn xã Ba Trại, huyện Ba Vì ngày 12/5/2024, vụ cháy nhà trọ ngày 24/5/2024 ở Cầu Giấy làm 14 người chết...
Ông Đào Xuân Dũng Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy
Với mục tiêu coi phòng ngừa là chính, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên cập nhật văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chủ động tham mưu các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện và các phương án, kế hoạch PCTT và TKCN của Thành phố. Trọng tâm có thể kể đến là:
- Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/2/2024 về công tác PCTT và TKCN năm 2024 trên địa bàn Thành phố;
- Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 10/1/2024 của UBND Thành phố Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố năm 2024;
- Trước tình hình thời tiết, thiên tai có nhiều bất thường trong những tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đã có Văn bản số 27/BCH ngày 24/4/2024 về việc chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, phòng cháy, chữa cháy rừng; các văn bản số 29/BCH ngày 30/4, số 34/BCH ngày 06/5, số 38/BCH ngày 11/5, sô 41/BCH ngày 13/5 và số 43/BCH ngày 15/5 yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành TP chủ động công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời khẩn trương hiệu quả đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
- Liên quan đến nội dung đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án hộ đê năm 2024, tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024 theo chỉ đạo của Trung ương; UBND Thành phố, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản gửi các địa phương đơn vị chuẩn bị dụng cụ, vật tư và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều phục vụ công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa, lũ; xây dựng, phê duyệt và triển khai các phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ công trình; tập trung, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình, đặc biệt là các cống qua đê, công trình đê điều, thủy lợi để sớm đưa vào phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2024…
Xác định nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và TKCN thời gian tới
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, công tác PCTT và TKCN trong năm 2024 cũng được thành phố Hà Nội xác định rõ ở nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể
Theo đó, Thành phố đề nghị UBND các cấp, các sở, ngành sớm hoàn thiện tổ chức tổng kết, đánh giá công tác PCTT và TKCN năm 2023, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2024. Thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ban, ngành, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Hội nghị phường xã ven đê ngày 14/5/2024
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Trung ương và Thành phố trong công tác PCTT và TKCN.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra. Chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của Nhân dân,...
Thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của các cấp, các ngành. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm 4 tại chỗ.
Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện và củng cố hệ thống kho tàng, trạm, xưởng phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và TKCN dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú.
Hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và thực hiện thu, quản lý, sử dụng Quỹ PCTT thành phố Hà Nội hiệu quả, đúng quy định.
Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ ở các cấp để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn Thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!