Một số bệnh viện, ký túc xá và khu tái định cư đã được chuyển đổi công năng sang điều trị bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ, không triệu chứng đến trung bình.
Từ 1 tuần nay, khu tái định cư Đền Lừ III, Hoàng Mai, Hà Nội đã được chuyển đổi thành cơ sở cách ly thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Gần 400 bệnh nhân mắc COVID-19 ở đây đều được theo dõi sức khỏe hàng ngày qua hệ thống QR code. Các bác sĩ bố trí riêng một khu vực có máy thở để cấp cứu cho những bệnh nhân chuyển nặng trước khi chuyển sang các bệnh viện tuyến trên.
Lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: TTXVN)
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã phân công hơn 100 bác sĩ, y tá giàu kinh nghiệm của khoa bệnh truyền nhiễm và hồi sức tích cực đến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây. Hiện tại, có thể điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân và giai đoạn sau có thể lên tới 2.000 bệnh nhân.
Để chuẩn bị cho kịch bản 20.000 ca mắc COVID-19, Sở Y tế Hà Nội huy động các bệnh viện có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 trước đây chuyển đổi dần thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh là một ví dụ, đây là nơi đã từng điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19 tại Sơn Lôi và Hạ Lôi.
Bên cạnh điều trị các bệnh nhân thông thường, Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh dành một khu vực riêng để điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng.
Bệnh viện đã lắp đặt sẵn các trang thiết bị phòng hộ, oxy tại đầu giường để có thể chuyển đổi toàn bộ công năng bệnh viện sang điều trị COVID-19 lên tới 280 giường bệnh.
Các bệnh viện Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị để đáp ứng với cấp độ 5.000 giường, 10.000 giường và 20.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng mà Bộ Y tế đưa ra. Hà Nội cũng lên phương án bố trí các bệnh viện đảm bảo đủ điều kiện sẵn sàng thu dung, điều trị cho 8.000 người bệnh ở mức độ vừa, nặng và nguy kịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!