Người dân tại đây phản ánh không khí ở khu vực này thường xuyên bốc mùi hôi thối, đặc biệt những ngày nắng nóng. Chính quyền địa phương xác nhận có tới hơn 200 hộ dân sống dọc ven sông phải chịu ảnh hưởng suốt chục năm qua.
Tại khu vực đầu nguồn sông Đáy nơi giáp ranh giữa 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng của Hà Nội, mặt nước nổi váng dày, sủi bọt và vô cùng hôi thối. Người dân cho biết nguyên nhân xảy ra tình trạng ô nhiễm là do hoạt động sản xuất chăn nuôi của hàng chục trang trại thường xuyên xả thải ra khu vực này cả ngày, lẫn đêm.
Đoạn sông ô nhiễm nằm giữa địa bàn 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, ước khoảng hơn 1 km.
"Chủ yếu là dân xã Trung Châu, Đan Phượng họ nuôi lợn, cứ khoảng 7h tối họ xả, rất hôi. Tôi ở trong nhà cách, sông này khoảng 150 m, tôi phải đóng cửa hết, không dám ra sân", ông Phạm Đình Ngọ, tThôn 7, xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, chia sẻ.
"Theo chúng tôi, khoảng 20 - 30 trang trại đang xả thải trực tiếp ra đây, ảnh hưởng đến dòng sông Đáy. Có thể thấy lượng xả thải tương đối lớn", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, cho biết.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng ô nhiễm là do hoạt động sản xuất chăn nuôi của hàng chục trang trại thường xuyên xả thải ra khu vực này cả ngày, lẫn đêm.
Đi sâu vào khu vực dân cư chăn nuôi tại địa bàn xã Trung Châu, không khó để bắt gặp những kênh mương đen sì, đặc quánh chất thải chăn nuôi. Tất cả cuối cùng đều đổ về sông Hát, đầu nguồn sông Đáy, từ đó dòng nước ô nhiễm tiếp tục chảy về hạ lưu. Theo người dân, tình trạng xả thải ra đây đã diễn ra hàng chục năm trời.
"Phế thải chăn nuôi xả thải ra gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 200 hộ gia đình thôn 7, thôn 8, xã Hát Môn. Do nguồn nước ô nhiễm, chúng tôi không có nước để phục vụ sản xuất đối với 53 ha khu vực vùng bãi", ông Đặng Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, cho hay.
Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, mới đây nhất, hồi đầu năm nay, UBND huyện Đan Phượng đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động chăn nuôi, xả thải trên địa bàn xã Trung Châu. Kết quả, có 2 trang trại đã bị thanh lý hợp đồng và tổ chức cưỡng chế giải tỏa.
Huyện cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với chủ tịch UBND xã Trung Châu giai đoạn 2013 - 2023 do cho thuê đất không đúng thẩm quyền. Điều đáng nói, huyện còn phát hiện thêm nguồn xả thải trong quá trình kiểm tra.
"Qua rà soát, có 12 trang trại phải cấp phép và còn 485 hộ ở trong có nước thải sinh hoạt ra thì cũng phải rà soát và vận động tuyên truyền. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với xã để làm sao có biện pháp, cái nào phải cấp phép môi trường và kiểm soát môi trường tốt hơn", ông Nguyễn Quý Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, Hà Nội, thông tin.
Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ đề xuất lãnh đạo huyện tiếp tục tái kiểm tra với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã Trung Châu ngay trong quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay, để rà soát và đưa ra hướng xử lý triệt để.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!