Hiện trường vụ cháy.
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội vào khoảng 4h ngày 8/12, người dân bất ngờ phát hiện một ngôi nhà số 19, ngách 36, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa bốc cháy dữ dội.
Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc, người dân đã không gọi Tổng đài 114 mà tự sử dụng nước dập tắt đám cháy. Hậu quả vụ cháy là ông Nguyễn Chí D. (sinh năm 1972 trú tại địa chỉ trên) đã tử vong.
Bước đầu lực lượng chức năng xác định vụ cháy xảy ra do ông D. đốt lửa sưởi ấm. Thiệt hại tài sản đang được thống kê, nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ.
Cũng theo Công an thành phố, trong vòng 24h qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 11 vụ cháy và sự cố cháy. Công an thành phố đã điều động 20 lượt phương tiện, 150 lượt cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Về công tác an toàn phòng cháy, lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy 236 cơ sở; xử phạt hành chính 55 cơ sở vi phạm, ra quyết định tạm đình chỉ 4 cơ sở; tiếp nhận 12 hồ sơ thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy; 7 hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; 1 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
Hành vi đốt lửa ở lòng đường, vỉa hè để sưởi ấm không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông và còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho những người tham gia giao thông.
Hành vi kể trên đã vi phạm quy định về Luật bảo vệ môi trường, vi phạm quy định đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định cấm hành vi thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hành vi đốt củi, cành khô để sưởi ấm ngoài đường phát sinh ra khói và tro bụi vào không khí, người đi đường hít phải tro bụi dễ mắc bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, Nghị định 155/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt tối đa với cá nhân lên tới 1 tỷ đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Chưa kể, việc đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường có thể gây hư hỏng kết cấu lòng đường, vỉa hè – việc này có thể bị phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng theo Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000-600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi tự ý đốt lửa trên cầu, dưới gầm cầu; nơi neo đậu tàu, thuyền dưới gầm cầu hoặc trong phạm vi hành lang an toàn câu.
Ngoài ra, nếu hành vi đốt lửa sưởi ấm cản trở giao thông, gây tai nạn cho người tham gia giao thông, dẫn đến tổn hại sức khỏe, tính mạng hay gây thiệt hại về vật chất cho nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cản trở giao thông đường bộ" theo Điều 261 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 261 BLHS quy định hành vi cản trở giao thông đường bộ có thể bị xử phạt từ 300.000-100.000.000 đồng hoặc cao nhất đến 15 năm tù, tùy theo hậu quả của hành vi này.
Do đó, người dân cần hết sức vấn đề này và tránh đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè, lòng đường để không vi phạm quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!