Theo số liệu thống kê, trong năm 2021 vừa qua, Hà Nội đã xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 130 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 18 vụ cháy rừng làm 12 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 26,5 tỷ đồng (so với năm 2020: giảm 56 vụ, tăng 6 người chết, giảm 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 4,5 tỷ đồng).
Ngoài ra còn có 456 vụ chập điện trên cột, 827 sự cố. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại khu vực nội thành xảy ra 197 vụ (chiếm 55, 5% tổng số vụ cháy). Loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra 204/355 vụ cháy, chiếm 57,46%. Các vụ cháy này có quy mô không lớn, gây thiệt hại không nhiều về tài sản nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Điển hình, tại quận Đống Đa có 3 vụ cháy, làm chết 9 người. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở loại hình kho, xưởng sản xuất là 47/355 vụ, chiếm 13,23%. Nguyên nhân trực tiếp xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 252/355 vụ, chiếm 71%.
Xảy ra 1 vụ nổ khí gas gây cháy tại thôn Thượng, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên làm 2 người chết, 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước đã tăng 2 người chết và giảm 4 người bị thương.
Theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) - CATP Hà Nội, tình hình cháy, nổ có tiềm ẩn phức tạp bởi ý thức người dân chủ quan, sự chấp hành về an toàn PCCC chưa cao, cùng với hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, sự đan xen đặc thù đô thị nên các vụ cháy nghiêm trọng vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, trong năm 2021, số vụ cháy được kiềm chế, thiệt hại tài sản so với năm 2020 đã được kéo giảm; các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thành phố được đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC. Đây là kết quả của nhiều sáng kiến, mô hình hay, cách làm mới trong an toàn PCCC và công tác quản lý nhà nước về PCCC tại địa bàn. Cụ thể công tác điều tra cơ bản, hướng dẫn, kiểm tra được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu được các đơn vị thực hiện nghiêm túc; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong tổ chức chữa cháy, CNCH được nâng lên rõ rệt. Trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, CNCH tiếp tục được quan tâm, đầu tư đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu.
Trong năm 2022, lực lượng PCCC&CHCN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt tổ chức đa dạng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!