Ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Tòng Bạt, Phú Sơn, Vật Lại,… thuộc huyện Ba Vì vẫn đang trong tình trạng thiếu nước do vẫn phải dùng nước giếng khơi (hoặc khoan) mà chưa có nước máy. Trong khi đó, năm nay đại hạn, hàng loạt hồ, ao, đầm đều cạn kiệt, có đến 99% giếng khơi của người dân không còn giọt nước.
Người dân huyện Ba Vì vẫn phải dùng nước giếng khơi (hoặc khoan) cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Cả xã Cẩm Lĩnh có hơn 3.400 hộ dân, nhưng hiện tại chỉ vài gia đình có giếng khơi còn nước, nên các gia đình phải kéo về đây mua nước để ăn uống với giá leo thang từng ngày.
Theo chia sẻ của bà Hoa (Cẩm Lĩnh, Ba Vì), “Cuộc sống của cả gia đình tôi bỗng dưng bị đảo lộn, nhất là trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt năm nay. Nhà tôi vẫn thường sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, nắng nóng kéo dài khiến giếng cạn khô. Tôi phải mua nước sinh hoạt từ một số gia đình chở nước bán trên địa bàn xã”.
Bà Hoa cho biết, mỗi tháng nhà bà phải mua 30 khối nước, tổng số tiền phải chi là 1,5 - 1,7 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Cũng theo bà Hoa cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra từ trước tết Nguyên đán. Giá ban đầu còn “nhẹ nhàng” 160.000 đồng/3 khối, nhưng gần đây đều tăng vọt lên 200.000 đồng/3 khối. Hiện nay thì họ phải mua với giá 250.000 đồng/3 khối mà còn phải “đặt hàng” trước 1-3 ngày mới có.
Xe cung cấp nước sạch cho người dân trong địa bàn xã Cẩm Lĩnh. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Một số người dân ở xã Cẩm Lĩnh cũng cho rằng, cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan thì nguồn nước ngầm cạn sạch còn do nguyên nhân dự án nạo vét lòng sông Tích chảy qua địa bàn đã “rút” mất mạch nước ngầm của các giếng khơi.
Đáng nói là nhiều xã ở huyện Ba Vì như Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt… đến nay vẫn đang “khát nước” dù nằm ở giữa 2 nhà máy nước quy mô lớn của TP Hà Nội.
Một số hộ giếng khoan còn nước được sử dụng hết công suất để cung cấp nước phụ vụ cho sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Ông Phùng Công Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, nhiều người dân, ở xã này và một số xã lân cận không có trạm cấp nước riêng. Muốn có nước máy, cần phải đấu nối nguồn với Nhà máy Nước sạch sông Đà (ở xã Phú Sơn) bên cạnh, nhưng chưa đấu nối. Cùng với đó, từ nhiều năm nay, địa phương đã triển khai dự án lắp đặt đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà ở xã Phú Sơn về xã Cẩm Lĩnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đấu nối với hệ thống.
Cũng theo ông Tuyên, Công ty Cổ phần Quảng Tây đã bắt đầu triển khai hệ thống nước sạch trên địa bàn xã với việc thí điểm ở 4 thôn là Đông Phượng, Ngọc Nhị, Tân An, Cẩm Tân. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống nước sạch đang được triển khai với các thủ tục được đẩy nhanh tiến độ, bước tiếp theo là lắp công tơ và từng bước đưa vào sử dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!