Hà Nội: Nhiều cây cổ thụ bật gốc, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ do bão số 3

PV-Chủ nhật, ngày 08/09/2024 06:53 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Bão số 3 (Yagi) tràn qua Thủ đô khiến Hà Nội có mưa to kèm theo gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh bị gãy, đổ.

Hàng chục cây cổ thụ ở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn kiếm) bị bật gốc, gãy đổ chắn ngang đường, giao thông khu vực bị tạm thời gián đoạn.

Hà Nội: Nhiều cây cổ thụ bật gốc, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ do bão số 3 - Ảnh 1.

Nhiều cây cổ thụ khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) bị bật gốc, gãy đổ. Ảnh: HNM

Hà Nội: Nhiều cây cổ thụ bật gốc, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ do bão số 3 - Ảnh 2.

Cây bật gốc đổ chắn ngang phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: HNM

Hà Nội: Nhiều cây cổ thụ bật gốc, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ do bão số 3 - Ảnh 3.

Cành cây gãy đổ trên vỉa hè hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: HNM

Hà Nội: Nhiều cây cổ thụ bật gốc, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ do bão số 3 - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng trắng đêm khắc phục hậu quả sau khi cơn bão càn quét Thủ đô. Ảnh: VNP

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Cây đổ kết hợp mưa gió mạnh khiến 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng. Gió giật mạnh khiến 242 bức tường bao bị đổ. Lực lượng chức năng các quận, huyện đang tiến hành dọn dẹp hiện trường các cây xanh bị gãy, đổ...

Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các công ty thủy lợi, tính đến thời điểm cuối giờ chiều ngày 7/9/2024, xuất hiện một số điểm ngập úng tại huyện Phúc Thọ, có 2 ha lúa huyện Thạch Thất bị ngập sâu.

Diện tích lúa bị đổ do gió, bão khoảng 3.559 ha (Ba Vì 40 ha, Chương Mỹ 85 ha, Đan Phượng 1,2 ha, Mê Linh 1 ha, Phú Xuyên 348,7 ha, Phúc Thọ 56 ha, Sơn Tây 50 ha, Thường Tín 670 ha, Ứng Hòa 2.000 ha).

Cây đổ đã làm một số người chết và bị thương. Do ảnh hưởng của mưa bão, hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại khác xảy ra liên quan đến mất điện, sạt lở, sập đổ, tốc mái công trình, xe cộ hư hỏng…

Theo báo cáo của các Công ty Thủy lợi trên địa bàn, đến 18h ngày 7/9 vận hành 22 trạm bơm tiêu với 105 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 567.000 m3/h.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nhất là thực hiện nghiêm việc cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định. Cùng đó, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...) nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước