Ngay trên chính con phố Lãn Ông và phố Thuốc Bắc bên cạnh, nhiều gia đình vẫn đang làm thuốc, bán thuốc truyền đời. Dòng chảy di sản Lãn Ông chưa bao giờ dừng trong lòng dân và trong cuộc sống đời thường.
Một trong những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông là phát triển y học dược liệu. Ông đã phát hiện 305 vị thuốc nam; sưu tầm hơn 2.800 vị thuốc hay.
Những nghiên cứu về dược liệu của ông không chỉ có giá trị trong thời điểm đó, mà còn tiếp tục được áp dụng trong y học hiện đại. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong ngành y.
Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xây dựng trên đỉnh núi Minh Tự, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Đình Nhất)
"Cụ nói thẳng nếu không có tâm thì đừng làm nghề thầy thuốc, mà làm nghề thầy thuốc chỉ nghĩ đến đồng tiền, không nghĩ đến bệnh tật của người bệnh, sự đau khổ của người bệnh thì không làm được. Do đó, tư tưởng của cụ xuyên suốt trong cả bác sĩ Đông y và Tây y", Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân Lê Năm (nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) cho biết.
"Những nội dung về y đức mà cụ để lại, Bộ Y tế đã nghiên cứu và ban hành các quyết định, quy định về y đức trong khám, chữa bệnh", ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế) cho hay.
Ngày 21/11/2023, UNESCO vinh danh Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới vì những giá trị mà ông để lại. Tư tưởng y học của ông, với trọng tâm là y đức và lòng nhân ái, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học cổ truyền không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Từ những bài thuốc dân gian quý giá, những phương pháp chữa bệnh hiệu quả, đến cách tiếp cận toàn diện giữa y học và đạo đức, triết lý sống, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã chứng tỏ tầm nhìn vượt thời đại của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!