Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực

VTV Times-Thứ ba, ngày 03/12/2024 19:48 GMT+7

VTV.vn - Những đại dự án, những đại đô thị được đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng bị hoang hóa đang làm nhếch nhác bộ mặt đô thị và lãng phí nguồn lực của xã hội.

Lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều so với tham nhũng, tiêu cực. Lãng phí các công trình đầu tư công là một trong những số đó.

Có đến hơn 3.000 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí. Đó là số liệu qua giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng; gần 75.000 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang, vi phạm pháp luật.

Cỏ mọc um tùm, rác thải ngổn ngang, cơ sở vật chất xuống cấp… khó tưởng tượng được đây lại là hình ảnh của hàng nghìn căn hộ tại khu đất vàng Thủ Thiêm, nơi từng được đấu giá lên đến cả tỷ đồng 1m2. Gần 1 thập kỷ trôi qua, nhà đã xây xong mà không có người đến ở.

Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 1.
Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 2.

Để xây dựng khu tái định cư này, TP Hồ Chí Minh đã vay 12.000 tỷ đồng từ các quỹ tín dụng, với tiền lãi phát sinh vào khoảng 2,9 tỷ đồng/ngày. Thêm vào đó là khoản chi phí tiền bảo trì, vệ sinh, thắp sáng thì xấp xỉ 50 tỷ đồng/tháng. Vậy là trong gần 10 năm qua, ngân sách thành phố có thể đã bị bốc hơi gần 30.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có gần 14.000 chung cư tái định cư đang trong tình trạng bỏ hoang, nhếch nhác với rác và đầy nước thải, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Không chỉ các khu tái định cư, mà nhiều đại đô thị rộng lớn cả trăm ha với các biệt thự đơn lập, song lập…cũng bị lãng quên và hoang hóa cả thập kỷ. Thế nhưng, khi liên hệ hỏi mua thì đến cả vài chục tỷ một căn nhà.

Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 3.

Khu đô thị được hưởng lợi từ việc mở đường, phát triển giao thông từ nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước, các công trình phụ trợ, các trung tâm thương mại, dịch vụ của các khu lân cận…Thế nhưng, gần 15 năm khu đô thị không được xây dựng theo đúng quy hoạch đã lãng phí không ít nguồn lực.

"Trong suốt quá trình chờ đợi đó đã lãng phí tài nguyên, lãng phí các dự án, các bất động sản mà quy hoạch đã có mục tiêu, có mục đích. Kéo dài nhiều năm, địa phương này chịu thiệt thòi sau xây dựng là bỏ hoang, thậm chí còn mất an ninh khu vực, nhếch nhác. Người dân thì mất đất sản xuất, kỳ vọng họ nhường đất để nhận giá trị từ khu đô thị nhưng lại không có", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Theo thống kê sơ bộ, TP Hà Nội hiện vẫn còn hơn 11.300 ha đất bị bỏ không lãng phí, TP Hồ Chí Minh cũng đang có khoảng 3.900 thửa đất bị bỏ hoang. Trên cả nước, nhiều dự án được quây tôn, giữ đất hàng chục năm. Trong khi xã hội rất nhiều người dân đang không có nhà để ở thì đây không chỉ lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách mà còn là một nghịch lý.

Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 4.

Lãng phí nguồn đầu tư

Những dự án có tổng mức đầu tư từ vài chục, đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng trong đó phần lớn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn chưa được đưa vào khai thác. Thậm chí nhiều dự án, công trình đã có dấu hiệu hoang hóa. Nguồn lực của toàn dân và xã hội đang bị lãng phí và trở thành gánh nặng cho xã hội, kìm hãm sự phát triển của nhiều ngành, nhiều vùng. Và ở đây, rõ ràng phải có trách nhiệm của cá nhân hoặc tập thể với các công trình, dự án gây lãng phí.

Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 5.

Đêm cũng như ngày, nhiều tuyến đường ở quận 4 biến thành những dòng sông, dòng suối giữa lòng TP Hồ Chí Minh. Và đây chỉ là một trong nhiều điểm ngập của thành phố mỗi khi có triều cường.

"Bao nhiêu năm nay rồi chúng tôi thấy cực khổ quá. Chỉ mong sao công trình sớm hoàn thành để người dân đỡ vất vả. Tiền của nhà nước vào đây mà dân vẫn khổ", ông Nguyễn Viết Rong, người dân phố Trần Xuân Soạn, quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ông Trương Công Thành, người dân quận 4 cho biết thêm: "Nước ngập như thế này chẳng thể làm ăn được. Chúng tôi giờ ở cũng không xong, đi cũng không được".

Cách đây 8 năm khi Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Ngập lụt đã trở thành mối đe dọa của toàn thành phố. Một dự án chống ngập ở 6 cửa sông cho 6,5 triệu dân thành phố đã được triển khai theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đến nay, phần lớn các hạng mục xây dựng đã hoàn thành trên 90%, thế nhưng công trình vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Hàng nghìn đô thị, dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực - Ảnh 6.

Hàng nghìn tỷ đồng đã được nhà đầu tư đưa vào dự án. Và thành phố cũng phải dành những quỹ đất có giá trị để đối ứng. Thế nhưng, ngập lụt vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế. Lãng phí tiếp tục chồng lấn lãng phí.

Thông tin mới được Ban Nội chính Trung ương công bố, hiện đang tồn tại 57 công trình, dự án đã được đầu tư nhưng hiệu quả thấp, gây thất thoát và gây lãng phí lớn:

+ 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng;

+ 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản;

+ 15 dự án trong lĩnh vực giao thông;

+ 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục văn hóa thể thao du lịch;

+ 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lãng phí làm nghèo xã hội. Trong đó, có trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan đề xuất, cơ quan thẩm tra… Vấn đề này đã được nhận diện và đã từng được xử lý. Thế nhưng, phần lớn vẫn mang tính vụ việc, chưa đi sâu vào gốc rễ vấn đề và điều này đang làm chậm lại thậm chí cản trở tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp chống lãng phí

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, qua 30 năm hoạt động, cơ quan này đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 722.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ gần 2.200 văn bản không phù hợp để bịt các lỗ hổng cơ chế, chính sách làm thất thoát nguồn lực công; chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Những con số trên cho thấy sự ảnh hưởng của lãng phí tới nền kinh tế và sự bất cập của quy định pháp luật có liên quan.

Nhìn những công trình dở dang phơi nắng, phơi sương trong thời gian dài, cốt sắt hoen gỉ và xuống cấp….chắc có lẽ nhiều người sẽ cùng đặt ra câu hỏi về nguyên nhân của sự lãng phí này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chế tài xử lý ra sao?

Về hành lang pháp lý, một trong những cơ sở quan trọng trong việc chống lãng phí đó là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuy nhiên, thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy hiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: "Bản chất là mỗi lần báo cáo, mỗi 1 năm tổng kết, người ta đã nhìn xem ở địa phương, ở cơ quan, ở đơn vị mỗi vùng có những yếu tố nào là lãng phí, những gì tồn tại thì hành động năm sau đã tập trung vào chuyện đấy chưa thì chưa có".

TS Cấn Văn Lực, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng: "Chế tài chưa nghiêm vì thế khâu thực thi trong thời gian vừa qua tính hiệu quả chưa cao. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, chúng ta cần sửa luật này".

Bên cạnh việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo ý kiến của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội, các cơ quan cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.

Sau 16 năm dự án bị kéo dài, vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thống nhất phương án về chấm dứt, bãi bỏ thực hiện dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo phương thức đối tác công tư BT để chuyển sang đầu tư dự án bằng vốn ngân sách.

Hà Nội cũng đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, chấm dứt hoạt động hoặc thôi giao chủ trương nghiên cứu đối với 153 dự án chậm triển khai. Còn Quảng Ninh đã thu hồi 159 đồ án quy hoạch chi tiết, 14 địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và thu hồi 8 dự án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước