Hàng nghìn m2 đất di tích lịch sử bị lấn chiếm làm vườn lan

Sơn Hà-Thứ tư, ngày 25/09/2024 13:13 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, người dân xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) phản ánh, 5 năm qua, hàng nghìn m2 đất di tích lịch sử cấp quốc gia bị lấn chiếm để xây dựng vườn lan.

Ngay giữa khu dân cư, một vườn lan công nghệ cao mọc lên. Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Thanh Oai đến năm 2030, thửa đất số 285 có diện tích 4.755 m2, trong đó có hơn 4.200 m2 là đất có di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn diện tích đã bị chiếm dụng làm vườn lan.

"Năm 2019 chính quyền thôn và các cụ đã tự ý cho một cá nhân thuê trồng lan công nghiệp. Chủ vườn lan đã tự ý chặt bỏ cây dồn vào một góc đã làm chết cây, làm thay đổi hiện trạng của khu di tích tâm linh", anh Nguyễn Đình Hoan (thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ.

Theo người dân, miếu thờ làng Thiên Đông được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, khoảng năm 1500 - 1700, hiện đang được trùng tu. Vị trí vườn lan mọc lên trước chỉ là đất trống, nhưng vẫn thuộc về đất của khu di tích lịch sử.

Hàng nghìn m2 đất di tích lịch sử bị lấn chiếm làm vườn lan - Ảnh 1.

Một vườn lan công nghệ cao mọc lên ngay giữa khu dân cư.

"Toàn bộ khu đây thuộc di tích lịch sử, chúng tôi vẫn có đầy đủ hồ sơ. Nhà nước cũng đã xác nhận, xác lập có đầy đủ 7 - 8 con dấu để xác nhận khu di tích này", ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết.

Bên trong vườn lan, chỉ trong một khu vực trồng, có gần 20 điều hòa cây, nhiều quạt hoạt động liên tục để giữ cho nhiệt độ luôn đủ lạnh. Theo người dân, chính hệ thống máy móc, điều hòa này đã gây ảnh hưởng tới dân cư xung quanh.

"Ở gần vườn lan, điều hòa chạy suốt ngày suốt đêm về mùa hè, vì chúng tôi tuổi già, sức yếu, tiếng kêu ù ù thế này làm chúng tôi rất khó chịu, không ăn không ngủ được vì tiếng điều hòa kêu ầm ầm", bà Lý Thị Thủy (thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bày tỏ.

Chính quyền xã Mỹ Hưng cho biết đã nắm được vụ việc, nhưng do tồn tại từ lâu nên chưa thể xử lý triệt để.

"Chúng tôi cũng đã nắm được, nhưng vì cái này tồn tại từ trước và cơ sở hạ tầng là họ cũng làm từ năm 2019, sau này anh em chúng tôi mới tiếp quản vị trí này. Sau hôm nay chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ có những biện pháp quyết liệt để trả lại mặt bằng cho di tích", ông Lê Duy Trường (Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhận định.

Đại diện UBND huyện Thanh Oai cho biết, việc chính quyền thôn cho một cá nhân xây dựng trên đất di tích lịch sử cấp quốc gia như này là trái phép.

"Bản thân đội trật tự cũng đã tham mưu với ủy ban huyện để chỉ đạo phòng văn hóa, tài nguyên môi trường rà soát và xem xét trách nhiệm ủy ban xã, đồng thời yêu cầu ủy ban xã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", anh Vũ Xuân Lộc (Đội trưởng Đội trật tự xây dựng huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho hay.

Theo người dân, trong khu vực di tích cấp quốc gia này còn có một công trình lịch sử tên là nhà sắc của miếu Thiên Đông, đã được xây dựng từ thế kỷ 17, thời hậu Lê. Tuy nhiên giờ đây người dân muốn vào khu vực này không thể được, vì đã bị nhà lan này quây kín các phía.

Đổ đất cả ngày lẫn đêm lấn chiếm bãi bồi ven sông Hồng Đổ đất cả ngày lẫn đêm lấn chiếm bãi bồi ven sông Hồng

VTV.vn - Người dân phản ánh liên tục có các xe tải tới đổ đất lấn chiếm bãi bồi ven sông Hồng ở xã Võng La, Hà Nội. Trong thời gian ngắn, sông Hồng đã bị lấn hàng nghìn m2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước