"Hành trình 30 chiến binh chống tảo hôn" và thông điệp "Trẻ em không phải cô dâu"

P.V-Thứ năm, ngày 19/11/2020 09:59 GMT+7

(Ảnh: Chương trình cung cấp)

VTV.vn - 30 bạn nhỏ Hà Giang đã chung tay lan tỏa thông điệp "Trẻ em không phải cô dâu" để trẻ em được là trẻ em. Họ thật sự là những "chiến binh nhí".

Dự án "Trẻ em không phải cô dâu" được thực hiện bởi Tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án này là nâng cao nhận thức của trẻ em và người dân trong cộng đồng huyện Quang Bình, Hà Giang về việc phòng chống tảo hôn với nhiều hoạt động ý nghĩa và có tác động sâu sắc. Nổi bật trong đó là hành trình của 30 học sinh nòng cốt từ 12 - 18 tuổi, được xem là các chiến binh tham gia trực tiếp vào công tác truyền thông qua các bộ ảnh, clip hay những buổi trực tiếp đến thăm từng gia đình để vận động bạn bè, người dân về việc không kết hôn sớm. Các em chính là những người đã truyền tải những thông điệp mạnh mẽ: "Hãy để trẻ em được là trẻ em".

Qua chia sẻ, 30 bạn nhỏ với 30 câu chuyện hoàn toàn khác nhau mang đến nhiều cảm xúc cho những người đồng hành. Hầu hết các em đều sinh ra và lớn lên chứng kiến đâu đó xung quanh mình những trường hợp kết hôn từ năm 15, 16 thậm chí 13 tuổi. 

Đặc biệt, một trong số 30 bạn này là kết quả của việc bố mẹ tảo hôn nhưng đã ly hôn và em phải sống cùng với bà. Một trường hợp khác đã từng có ý định lấy chồng từ năm 16 tuổi nhưng kịp thời nhận ra và muốn theo đuổi ước mơ của mình.

Hành trình 30 chiến binh chống tảo hôn và thông điệp Trẻ em không phải cô dâu - Ảnh 1.

Những bạn nhỏ tham gia chiến dịch chống lại hủ tục tảo hôn.

Vậy ước mơ của các em là gì? Có bạn muốn trở thành bác sĩ, cầu thủ; bạn khác mong ước thành ca sĩ, hoa hậu…; hay đơn giản là muốn được đi học cao hơn với ngành nghề mà mình yêu thích. Cho dù là câu chuyện hay ước mơ gì thì tựu chung lại, 30 chiến binh ấy đã mang đến một thông điệp xuyên suốt với mong muốn thay đổi tương lai của cả một thế hệ: Trẻ em không phải cô dâu hay chú rể, trẻ em cần được sống vui tươi, hồn nhiên nhất và theo đuổi ước mơ của chính mình.

Trẻ em không phải cô dâu

Dự án "Trẻ em không phải cô dâu" đã kết hợp các hoạt động giáo dục cho trẻ em và truyền thông cho các nhà trường, cộng đồng tại địa bàn xã Yên Thành và Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang với số lượng người hưởng lợi trẻ em (12 - 18 tuổi) và cha mẹ của trẻ là 1.474, người dân và các cán bộ trong cộng đồng là 5.526. Mục tiêu của dự án là 90% người dân trong cộng đồng và 80% trẻ em tại địa bàn 2 xã có kiến thức về quyền trẻ em, phòng ngừa kết hôn sớm và có kỹ năng bảo vệ bản thân.

Điểm nổi bật của dự án đó là không tập trung khai thác các khía cạnh tiêu cực của việc kết hôn sớm mà thay vào đó chỉ nói đến các hậu quả một cách vừa đủ rồi tập trung vào việc xây đắp các ước mơ, những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người khi tình trạng tảo hôn không còn nữa, khi Trẻ em được là trẻ em!

Good Neighbors International tại Việt Nam (GNI) là một tổ chức phi chính phủ Quốc tế hiện hoạt động ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, được thành lập tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2005 và có trụ sở làm việc tại Hà Nội. Hiện nay, GNI đang triển khai hoạt động ở 06 địa bàn dự án tại 4 tỉnh là Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang và Hà Giang thông qua các chương trình: Bảo trợ trẻ em; Giáo dục và bảo vệ trẻ em; Phát triển sinh kế; Sức khỏe; Nước sạch vệ sinh môi trường; Xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác; Cứu trợ khẩn cấp và viện trợ nhân đạo với hơn 10.000 trẻ bảo trợ và hơn 200.000 người dân được hưởng lợi từ các dự án.

Kết hôn sớm (hay còn gọi kết hôn trẻ em hoặc tảo hôn – kết hôn dưới 18 tuổi đối với nữ và dưới 20 tuổi đối với nam) là một vấn đề toàn cầu và xuất hiện ở tất cả các quốc gia, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc vào năm 2015, trong số 53 cộng đồng thiểu số ở Việt Nam, trung bình cứ 4 cuộc hôn nhân thì có một cặp là tảo hôn (26,6%); có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; đặc biệt 6 tộc người thiểu số có tỷ lệ này lên tới 50% - 60% là người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều. Tình trạng tảo hôn cũng tập trung cao ở khu vực miền núi phía Bắc (mà Hà Giang nằm ở khu vực này) với tỷ lệ kết hôn trẻ em ở người Mông chiếm 33%, dân tộc Thái chiếm 23,1% và 15,8% các cặp vợ chồng người Mường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước