Đây là kết quả từ một hành trình dài với sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương tới sự quyết tâm nỗ lực từ lãnh đạo chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn đồng lòng với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó đã phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và quốc tế, định hình vóc dáng của một siêu đô thị biển.
Thiên nhiên ưu đãi
Sầm Sơn - vùng đất cổ, có biển, núi và rừng tụ hội, đã được biết đến là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của người dân miền Bắc từ hàng trăm năm trước, với bãi cát dài rộng hàng trăm mét, sóng nước mênh mang, núi non hữu tình, sản vật phong phú, cùng với đó là dãy núi Trường Lệ những cánh rừng thông, bạch đàn...; những ngọn núi cao thấp đan xen như hòn Cổ Giải, ngọn Đầu Voi, hòn Trống Mái, núi Cô Tiên...
Chiến lược xây dựng đô thị Sầm Sơn
Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ giai đoạn 2006 -2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội nòng cốt, trên cơ sở lấy Sầm Sơn làm trọng tâm du lịch của cả tỉnh. Chủ trương này đã tạo điều kiện cho Sầm Sơn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, riêng năm 2007, tổng mức đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng du lịch Sầm Sơn bằng mười năm trước đó cộng lại. Năm 2010, Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.
Đến năm 2017 theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14, ngày 19/04/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là dấu mốc quan trọng nhất để Sầm Sơn chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, khi du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển đều bày tỏ sự bất ngờ về sự "lột xác" ngoạn mục, nhất là về hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ.
Đánh giá về bước phát triển đột phá của du lịch Sầm Sơn, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết "Sầm Sơn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, các dự án đầu tư tổ hợp dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn, có chất lượng cao đưa vào vận hành khai thác như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, công viên nước Sầm Sơn đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo, vị thế, chất lượng dịch vụ du lịch, vì thế năm nay đã thu hút lượng khách du lịch nhiều nhất từ trước tới nay. Đặc biệt là Sầm Sơn có sự thay đổi tích cực về tư duy và hành động của các cấp chính quyền, người dân trong quản lý và phục vụ du lịch, đặc biệt là sự thay đổi trong giao tiếp, ứng xử phục vụ khách du lịch, tạo niềm tin cho du khách, phát triển Sầm Sơn thành một đô thị biển du lịch thông minh, hiện đạo, an toàn, thân thiện và đáng sống"
Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa)
Ảnh: Thành phố Sầm Sơn
Với vị thế là trung tâm du lịch của tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện; đến năm 2045 là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ, năm 2021, Sầm Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về "Xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" thông qua Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-11-2021. Nghị quyết đã xác định rõ đường hướng để Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch biển Sầm Sơn nhằm định hướng khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế du lịch biển, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo sản phẩm du lich mới, đặc biệt là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư lớn có năng lực, có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực du lịch trên địa bản tỉnh như: Tập đoàn FLC, tập đoàn SunGroup, tập đoàn ORG, tập đoàn Flamingo, tập đoàn T&T…
: Hội nghị Tổng kết hoạt động du lịch năm 2023, triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2024 của Thành ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ Việt Nam Thành phố Sầm Sơn
Để Sầm Sơn vươn tầm thành "Siêu đô thị biển"
Với những cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh dành cho Sầm Sơn và sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, Sầm Sơn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; nổi bật là thành phố đã đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất từ trước đến nay, năm 2023 các chỉ tiêu phát triển du lịch được duy trì tăng trưởng thành phố đón được 7.952.000 lượt khách, vượt 112.8% so với cùng kỳ và vượt109.7% kế hoạch đặt ra; phục vụ 15.056.600 ngày khách. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 14.289.8 tỷ đồng đạt 102.9% so với cùng kỳ và 100.6% so với kế hoạch, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến nay, thành phố Sầm Sơn có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, công suất sử dụng phòng nghỉ năm sau cao hơn năm trước.
Bà Trần Phương Thủy, Phó Tổng giám đốc Vận hành của tập đoàn FLC Sầm Sơn cho biết "Chính quyền địa phương đã tạo điều kiên tốt nhất cho FLC hoạt động trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng và rằng có nhiều cơ hội hơn nữa để tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương để phát triển du lịch biển Sầm Sơn một cách bền vững, đưa Sầm Sơn thành một điểm đến du lịch văn minh, an toàn và đáng sống"
Bà Trần Phương Thủy, Phó Tổng giám đốc Vận hành của tập đoàn FLC Sầm Sơn
Quần thể nghỉ dưỡng Tập đoàn FLC Sầm Sơn)
Để rút ngắn câu chuyện du lịch một mùa, Sầm Sơn đã có những cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Sầm Sơn. Cùng với việc khai thác, phát huy thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thành phố đã và đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch, tổ chức tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh mua sắm hàng lưu niệm, giải khát, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tuyến đường Thanh Niên, đặc biệt Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn với nhiều hoạt động hấp dẫn như Lễ hội ánh sáng; Lễ hội Carnival đường phố… thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát huy giá trị Lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội Cầu Phúc, đền Độc Cước; Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy; Lễ hội Cầu Ngư - Bơi Trải tạo được ấn tượng tốt cho du khách.
Lễ hội Cầu Ngư – Bơi trải tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết mong muốn hiện thực hóa khát vọng "du lịch 4 mùa" từng bước đưa Thanh Hóa thoát khỏi khái niệm "mùa tắm biển Sầm Sơn", mở ra một thời kỳ mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Để làm được điều đó, lãnh đạo chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm tới việc "trải thảm đỏ" thu hút các nhà đầu tư, giải quyết mọi khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng của mọi người dân, mỗi người dân trở thành một "đại sứ du lịch" xây dựng hình ảnh đất và người Sầm Sơn thật đẹp trong lòng du khách…
Ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn
Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, hình thành đầu mối giao thương đạt tầm vóc khu vực và Quốc tế, gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và cảng hàng không Thọ Xuân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!