Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2022, tỉnh phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chuyển đổi số cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh tiếp tục mở rộng, nâng cấp hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng diện rộng để đáp ứng việc triển khai, lưu trữ dữ liệu của các ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức; rà soát, bổ sung, đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.
Đồng thời, tỉnh mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm quản lý văn bản cho các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và thực hiện kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử có ký số đầy đủ và được luân chuyển trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh.
Năm 2022, Hậu Giang đặt mục tiêu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh; 100% báo cáo Chính phủ định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50%; dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước đạt 90%. Hậu Giang hình thành các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền số, bao gồm dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, văn bản quy phạm pháp luật, lý lịch tư pháp. Các cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ với các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công và phát triển kinh tế - xã hội.
Hậu Giang đặt kế hoạch hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; thực hiện chuyển đổi số một số lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tỉnh bổ sung, nâng cấp các ứng dụng đô thị thông minh để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!