Các tổ công tác 141 và các đội Cảnh sát giao thông của thành phố Hà Nội đang tăng cường tuần tra để xử lý các nhóm thanh thiếu niên đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
Vào khoảng 0h15' ngày 3/11, hàng chục xe máy chạy tốc độ cao, khi đến ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã đâm phải 1 phụ nữ đang dừng xe chờ đèn đỏ khiến người này tử vong tại chỗ. Tai nạn giao thông không chỉ để lại nỗi đau về tinh thần, thể xác cho gia đình nạn nhân, mà còn để lại nhiều hệ lụy cho những người phải chịu trách nhiệm liên quan.
Sự dễ dãi của nhiều phụ huynh khi cho phép con đi xe máy là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hiện trường tai nạn khiến 6 người thương vong ở đường Ỷ Lan, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, hôm 9/11. Các nạn nhân đều trong độ tuổi học sinh. (Ảnh: NLĐ)
Cơ quan Công an khuyến cáo, các phụ huynh cần chủ động nhận diện các dấu hiệu bất thường của con em mình để có biện pháp phối hợp ngăn chặn kịp thời như: thường xuyên sử dụng xe máy hoặc bạn bè đón ra ngoài vào tối muộn; tự ý tháo biển kiểm soát xe; phanh xe, chắn bùn xe bị mòn vẹt do tăng tốc, bốc đầu; trốn học, bỏ học không xin phép bố mẹ; tự ý bỏ nhà, thường cãi lời bố mẹ để ra khỏi nhà tụ tập với bạn bè…
"Khi phát hiện hành vi vi phạm của các em trong lứa tuổi học sinh, tùy từng vụ việc, chúng tôi sẽ xác định rõ hành vi về giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông và có hình thức xử lý nghiêm phụ huynh học sinh", Đại úy Bùi Hồng Long (Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Long Biên, Hà Nội) cho biết.
Luật Giao thông đường bộ quy định, công dân từ đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe mô tô dưới 50 cm3; đối với xe mô tô từ dưới 50 cm3 trở lên, công dân phải từ 18 tuổi trở lên và bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Do vậy những trường hợp học sinh điều khiển xe máy điện cũng được coi là vi phạm pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!