Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2015.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân bổ kinh phí để tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mảng, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Pu Péo, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc La Ha, tỉnh Sơn La; Lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mạ, tỉnh Lâm Đồng; Lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Bru-Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị.
Kinh phí hỗ trợ phục dựng cho mỗi lễ hội là100 triệu đồng thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa năm 2015.
Để thống nhất về quy trình, thủ tục và tiến độ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh khảo sát, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học về lễ hội bao gồm: tên lễ hội, thời điểm diễn ra lễ hội, mục đích, ý nghĩa của việc phục dựng lễ hội gửi về Bộ (Vụ Văn hóa dân tộc) để tổng hợp trước ngày 20/3/2015.
Khi tổ chức phục dựng lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh chú trọng việc chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc được lưu giữ trong đời sống dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới tiến bộ nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu đồng thời phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.
Các lễ hội truyền thống cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Lễ hội dân gian không nên tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian.
Ngoài ra, chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt. Tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.