Mục tiêu chung là đảm bảo công tác thống kê báo cáo dữ liệu toàn diện cho bà mẹ, trẻ em, trong đó các dữ liệu quan trọng được báo cáo và cập nhật theo thời gian thực, bao gồm kết quả tiêm chủng, các thông tin về sức khỏe bà mẹ và trẻ em được hợp nhất trong một hệ thống quản lý thông tin phù hợp, bất kể trẻ ở đâu hay các giấy tờ đã bị thất lạc.
Ngày 7/11, 22 máy tính xách tay, 168 máy tính để bàn và 20 đầu đọc mã vạch đã được Chính phủ Nhật Bản và UNICEF trao tặng cho tỉnh Gia Lai, nhằm củng cố hệ thống y tế kỹ thuật số tại tỉnh. Số trang thiết bị này thuộc dự án hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của hệ thống y tế do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam với tổng cộng 158 máy tính xách tay, 803 máy tính để bàn và 187 đầu đọc mã vạch. Các thiết bị này đã được phân phối cho một số đơn vị thuộc Bộ Y tế và 7 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên - là các tỉnh còn nhiều khó khăn về địa hình và kinh tế nhằm tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như sức khỏe sinh sản.
"Dự án lần này được thực hiện dưới sự phối hợp của tổ chức UNICEF nhằm nâng cấp hệ thống quản lý thông tin y tế trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ - trẻ em, bao gồm cả thông tin tiêm chủng. Gói hỗ trợ tổng trị giá 1 tỷ 267 triệu Yên Nhật được trao cho các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nhận được hỗ trợ trị giá 290 triệu yên", ông Sasaki Shojei, Bí thư Thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Lễ bàn giao.
"Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc tích cực triển khai công tác số hóa lĩnh vực y tế trên toàn quốc nhằm cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Chính phủ Nhật Bản mong rằng các thiết bị công nghệ thông tin được viện trợ lần này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau tại các tỉnh thực hiện dự án trong đó có tỉnh Gia Lai, và mong rằng trong thời gian tới đây, quá trình số hóa trong lĩnh vực y tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trên toàn lãnh thổ Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ y tế", ông Sasaki Shojei cho biết thêm.
Đại diện các bên trao tặng và tiếp nhận laptop, máy tính để bàn và đầu đọc mã vạch cho ngành Y tế.
Tại Việt Nam, một số phần mềm quản lý thông tin Y tế đã được xây dựng và triển khai, tuy nhiên, các phần mềm hiện tại còn thiếu tính tương thích. Hơn thế nữa, một số cơ sở y tế còn thiếu thiết bị công nghệ thông tin cần thiết như máy tính xách tay, máy tính để bàn và đầu đọc mã vạch để nhập và báo cáo dữ liệu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, dữ liệu tiêm chủng bao gồm tiêm chủng vaccine COVID-19. Vì vậy, cách tổng hợp và trình bày dữ liệu không thuận tiện cho việc ra quyết định một cách nhanh chóng, làm ảnh hưởng đến tính chính xác của quyết định.
"Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một trong các vấn đề cần ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Ngày hôm nay, Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc bàn giao cho Bộ Y tế - đại diện là Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - các thiết bị công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý dữ liệu, báo cáo thống kê về SKBMTE cho một số đơn vị của Bộ Y tế và 7 tỉnh dự án. Với sự hỗ trợ này của Chính phủ Nhật Bản, chúng tôi tin tưởng rằng, dự án sẽ đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng số liệu, tăng cường năng lực quản lý hệ thống CSSKBMTE, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ và trẻ em", ông Tống Trần Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế chia sẻ tại Lễ bàn giao.
"Bộ Y tế đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý thông tin y tế, chẳng hạn như phần mềm tiêm chủng quốc gia và Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em phiên bản điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà UNICEF và Chính phủ Nhật Bản đang hỗ trợ giải quyết nhằm đảm bảo rằng các hệ thống này được cập nhật tính năng và có thể tương thích với nhau, để mọi dữ liệu thông tin về tình trạng sức khỏe của mọi trẻ em đều có sẵn trên tất cả các nền tảng báo cáo thống kê theo thời gian thực", ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự Sống còn, Phát triển của Trẻ em và Môi trường của UNICEF Việt Nam nhận xét.
Ông Maharajan Muthu cho hay: "Dự án này sẽ hỗ trợ cải thiện chức năng và khả năng tương tác của các phần mềm quản lý thông tin y tế kỹ thuật số hiện có; đào tạo toàn diện cho nhân viên y tế, đặc biệt là những cán bộ địa phương để có thể sử dụng thành thạo phần mềm công nghệ thông tin thống kê y tế; và đảm bảo rằng những cơ sở y tế có nhu cầu (bao gồm cả trạm y tế) trong phạm vi dự án đều được trang bị tất cả thiết bị công nghệ thông tin cần thiết để nhập và báo cáo dữ liệu liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em".
Thông qua hợp tác với UNICEF, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ đáng kể cho ngành y tế Việt Nam trong việc phòng chống lại đại dịch COVID-19. Sự hỗ trợ lần này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường báo cáo thống kê và cải thiện chất lượng dữ liệu. Hỗ trợ này giúp cung cấp bằng chứng cần thiết cho việc phát triển và thực hiện các chính sách hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng như các vấn đề sức khỏe toàn cầu rộng lớn hơn. Khoản viện trợ này góp phần thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số các dịch vụ y tế theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!