Học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: TTXVN
Sáng nay (6/12), học sinh trung học phổ thông ở Hà Nội đã quay trở lại trường sau nhiều tháng nghỉ dịch. Tuy nhiên, trước đó, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ban hành công văn hỏa tốc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.
Theo văn bản hỏa tốc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chỉ có học sinh khối 9 ở các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội tiếp tục triển khai học trực tiếp theo kế hoạch cũ. Học sinh khối 12 trên toàn địa bàn Hà Nội, cách nhật, học trực tiếp tại trường, hoặc vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hoặc vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 trên toàn thành phố và học sinh khối 9 của các trường ở nội thành vẫn học trực tuyến. Quyết định điều chỉnh này giải tỏa phần nào lo lắng của nhiều phụ huynh học sinh.
Với học sinh, việc được quay lại học trực tiếp ở trường chắc chắn là tin vui, nhất là sau một thời gian dài ở nhà học trực trực tuyến, các con không được gặp lại thầy cô, bạn bè. Hơn nữa, môi trường trường lớp, với các em, cũng không chỉ là môi trường học tập, còn là môi trường của nhiều chương trình vận động, giao lưu khác rất có ý nghĩa về mặt tinh thần. Con vui, hiển nhiên, bố mẹ cũng mừng.
Tuy nhiên, việc học sinh quay lại học trực tiếp ở trường thời điểm này, với phụ huynh, mừng ít mà lo, có lẽ, là nhiều hơn. Những ngày gần đây, số lượng F0 tăng đột biến, với rất nhiều ca mắc trong cộng đồng. Rất nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng, thể hiện mong muốn tạm hoãn việc cho các con quay lại trường để học trực tiếp. Họ có những suy luận hợp lý được nhiều trường học tiếp thu, đồng tình.
Học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: TTXVN
Thứ nhất là khả năng nhiễm và truyền nhiễm. F0 hiện nay rất nhiều và nhiều lúc không được xác định kịp thời, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cộng đồng, có thể truyền nhiễm cho bất cứ học sinh nào. Với môi trường học tập trong lớp, không gian khép kín, sỹ số vài chục em, nếu có một học sinh nhiễm SARS-CoV-2 thì việc lây lan là rất nhanh. Bởi việc lây nhiễm trong lớp, nếu có, không thể phát hiện ngay trong ngày. Giữa các tiết học, học sinh các lớp vẫn có thể gặp gỡ, giao tiếp với nhau ở sân chơi, nhà vệ sinh, khu ăn uống,.. Việc lây lan, nếu có, sẽ không thể hạn chế trong phạm vi một lớp mà có thể nhanh chóng lan sang cả khối, thậm chí cả trường, tùy vào thời gian phát hiện lây nhiễm nhanh hay chậm.
Đặc biệt là, học sinh vẫn đang trong độ tuổi vô lo, vô nghĩ, ý thức phòng chống dịch không cao. Ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp – nơi người lớn làm việc, với ý nhận thức rất tốt về hạn chế giao tiếp để phòng chống dịch mà vẫn xuất hiện các ổ dịch thì huống gì ở trường học, nơi học sinh nô đùa, ôm vai, bá cổ là chuyện không thể cấm được.
Ngay cả khi giữ được học sinh ở trong lớp suốt ngày học, nếu có một trường hợp F0, thầy cô giáo cũng có thể bị nhiễm bệnh. Mỗi thầy, cô giáo lại dạy ở nhiều lớp và có thể truyền nhiễm bệnh sang các lớp khác.
Thứ hai, điều khiến phụ huynh học sinh lo hơn cả là đa phần học sinh phổ thông trung học mới được tiêm 1 mũi vaccine, hầu hết học sinh phổ thông cơ sở, tiểu học chưa được tiêm mũi vaccine nào. Khả năng đề kháng khi có virus xâm nhập là rất yếu.
Nhiều phụ huynh đã chia sẻ suy nghĩ, cho rằng các con đã học 2/3 thời gian của học kỳ này bằng hình thức học online thì nên học nốt cả học kỳ với hình thức này. Đợi khi học sinh được tiêm đầy đủ vaccine rồi hãy quay lại trường học trực tiếp cũng không muộn. Nếu có chậm tiến độ dạy và học thì cũng đã chậm rồi. Sức khỏe của các con và an toàn cho cộng đồng là điều nên ưu tiên hơn cả.
Chính vì vậy, văn bản hỏa tốc ngày hôm qua của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, ít nhiều, đã làm yên lòng dư luận.
Đối với các học sinh được đi học trực tiếp ở trường, vẫn là mừng ít lo nhiều. Nhưng dù sao, đó cũng là những đối tượng học sinh cuối cấp, sắp có các đợt thi quan trọng, nên việc học trực tiếp là rất cần thiết, không thể trì hoãn. Hơn nữa, chỉ có khối 12 và khối 9 đi học trực tiếp, việc áp dụng các biện pháp giãn cách và phòng dịch cũng khả thi hơn, hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!