Luôn phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày, thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần mà không nhận được bất cứ chế độ phụ cấp nào, đó là thực tế đang xảy ra với không ít người lao động Việt trong thời điểm hiện tại.
Xu hướng này ngày càng phát triển mạnh sau hai năm dịch bệnh do nhiều công ty phải tăng năng suất hoạt động nhằm phục hồi kinh tế. Trên lý thuyết, ai cũng đồng ý rằng ngày cuối tuần là ngày nghỉ của nhân viên, nếu đã thỏa thuận rõ trên hợp đồng đây là ngày không phải làm việc, thì họ có quyền không nhận xử lý bất kì công việc gì.
Tuy nhiên trong thực tế, khó ai có thể nhắm mắt làm ngơ khi công việc có phát sinh bất ngờ, hay cấp trên nhắn tin trao đổi công việc. Và cùng từ đó, những ngày nghỉ cuối tuần đang dần biến mất.
Sếp không cấm nghỉ, nhưng nếu nghỉ thì lại chẳng có ai làm thay. Sau vài lần như vậy, nhiều người lựa chọn cách biến mất, thậm chí là chạy trốn khỏi những cuộc gọi mà bản thân chẳng muốn nghe. Họ mặc nhiên coi đó là cách duy nhất để ngày cuối tuần không còn bị đánh cắp bởi bất cứ ai.
Theo nghiên cứu trên 134.000 nhân viên tại hơn 900 tổ chức trên toàn cầu của hãng phần mềm ActivTrak vào năm 2022, một nhân viên làm việc trung bình 6,6 tiếng mỗi cuối tuần, tăng 5% so với năm 2021. Do bị mất ngày cuối tuần, nhiều người lao động trở nên kiệt sức, căng thẳng, giảm năng suất và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng xin nghỉ việc đồng loạt ở nhiều doanh nghiệp.
Khi Chủ nhật trở thành nỗi ám ảnh
Việc bị đánh mất ngày cuối tuần khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi mỗi khi Chủ nhật đến. Đã có nhiều cuộc khảo sát được tiến hành và kết quả cho thấy những người đang mắc phải hội chứng này phần lớn đều trải qua cảm xúc lo lắng, bất an.
Điều đáng nói là không chỉ đối tượng người lao động phải làm việc trong những ngày này mà kể cả khi được nghỉ ngơi toàn thời thời gian thì cảm giác này cũng không hề vơi bớt. Cảm giác này tăng dần lên vào khoảng 3 - 4 giờ chiều của ngày chủ nhật và kéo dài đến sáng hôm sau. Nhiều chuyên gia đã nhận định đó là Hội chứng sợ Chủ nhật. Một dạng của rối loạn lo âu, ngày càng gia tăng với đối tượng người trẻ trong độ tuổi lao động.
Hội chứng sợ chủ nhật ngày càng có xu hướng gia tăng và không phân biệt độ tuổi. Nó không chỉ xuất hiện ở nhóm những người có công việc đòi hỏi chuyên môn cao mà cả những đối tượng nhân viên trẻ mới đi làm.
Khi ý nghĩ "phải quay lại làm việc" hoàn toàn lấn át tâm trí, chúng ta rất khó để bình tĩnh lại. Kéo theo đó, Chủ nhật sẽ trở thành một ngày buồn vui lẫn lộn vì chúng ta biết rằng đó sẽ là những giờ phút tự do cuối cùng trước khi quay lại công việc vào sáng thứ 2.
Muốn chấm dứt tình trạng khó chịu này, cách tốt nhất là phải xây dựng một ngày Chủ nhật thật lành mạnh, và sắp xếp công việc một cách thông minh. Nhiều người trẻ đã và đang biến chủ nhật thành ''ngày thứ bảy mới'' cho riêng mình.
Thay vì đối diện với nỗi sợ và tìm cách vượt qua chúng thì nhiều người chấp nhận tìm đến môi trường làm việc khác phù hợp hơn. Có thể áp lực vẫn còn, nhưng lại được làm chủ về mặt thời gian. Hiệu suất công việc được đánh giá dựa trên kết quả chứ không nằm ở việc bạn phải gặp sếp bao nhiêu lần hay ở trên văn phòng bao nhiêu ngày trên một tuần.
Sắp xếp lại công việc, lên kế hoạch cho những điều thú vị là cách mà nhiều người đang dần thoát khỏi những nỗi sợ ngày cuối tuần. Hãy tích cực thay đổi vì cuộc sống quá ngắn để ta dành mỗi ngày Chủ Nhật trong lo âu và sợ hãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!