Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng

Mạnh Cường, Phùng Sơn, Khiếu Minh-Thứ năm, ngày 27/03/2025 19:55 GMT+7

Tự động phát sau
3
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, Hưng Yên đang phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng do khí thải độc hại và nước thải chưa được xử lý.

Người dân tại làng nghề tái chế nhựa ở thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng với mùi khét lẹt khó chịu suốt nhiều giờ, không khí ngột ngạt, và tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất trong khu vực chưa được thu gom, xử lý, chảy thẳng ra môi trường.

Quá trình tái chế nhựa tại đây chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công. Những túi nilon được công nhân lọc bằng tay, sau đó được rửa qua nhiều lần bằng máy móc, rồi được đưa vào máy đốt ở nhiệt độ lên tới khoảng 300 độ C. Cuối cùng, sản phẩm thu được là những hạt nhựa tái chế.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên, quá trình đốt nhựa ở nhiệt độ cao sẽ gây ra khí Dioxin/Furan, đây là hợp chất hóa học gây ung thư , ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: "Do công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều khí thải độc hại. Các nhà xưởng này đều chưa hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải, nước thải".

Theo thống kê, hiện tại làng nghề Minh Khai vẫn còn hơn 190 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các cụm công nghiệp 1 và 2 có hơn 420 cơ sở, trong đó nhiều cơ sở tái chế nhựa bằng phương pháp thủ công và chưa được trang bị đầy đủ hệ thống xử lý khí thải và nước thải. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bầu không khí ở khu vực này luôn ngột ngạt, khiến người dân gặp khó khăn trong việc thở.

Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh 2.

Theo người dân làng nghề Minh Khai cho biết: "Nốt năm nay em ở đây, sang năm chuyển xuống dưới kia chứ giờ ô nhiễm lắm. Khét lắm, người lớn còn không chịu được, huống hồ là trẻ em".

Những khay nhựa, sau khi được sử dụng vài lần để chế tạo hạt nhựa, thường được người dân trong làng nghề đem đốt. Quá trình đốt này thải ra khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khí thải từ hoạt động này vẫn hàng ngày xả thẳng ra môi trường mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh 3.

Nhiều làng nghề tái ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tái chế, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh các làng nghề truyền thống, ngày càng có nhiều làng nghề tái chế nhựa xuất hiện, như Minh Khai (Hưng Yên), Quảng Phú Cầu (Hà Nội), Đông Mẫu (Vĩnh Phúc). Người dân tại những khu vực này phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng, và khu vực lân cận cũng chịu ảnh hưởng tương tự.

Trong tổng số 4.500 làng nghề trên cả nước, chỉ có 16% sở hữu hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, và chỉ 20% có khả năng thu gom chất thải rắn công nghiệp.

Việc xả thải không kiểm soát đã gây tổn hại lớn đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất, nước và không khí.

Cách đây 4 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiến hành khảo sát chất lượng môi trường tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, tỉnh Hưng Yên. Kết quả cho thấy không khí tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, với hàm lượng Dioxin và Furan - những chất có khả năng gây ung thư - vượt hơn 3 lần mức tiêu chuẩn cho phép.

Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh 4.

Xử lý ô nhiễm làng nghề: Khó vẫn hoàn khó

Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai vẫn tiếp tục hoạt động dù hàng trăm cơ sở sản xuất không tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Hơn 10 năm trước, hai cụm công nghiệp tại đây đã được xây dựng với mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Cụm công nghiệp 1 của làng nghề Minh Khai được triển khai hơn 17 năm trước, với kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm tại đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, hơn 100 cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Cụm công nghiệp 2 được xây dựng cách đây 10 năm, các hộ dân đã ký thỏa thuận đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng cuối cùng, không có hộ nào thực hiện đấu nối đúng quy định. Sau nhiều năm, đến nay, cả hai cụm công nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Hưng Yên: Làng tái chế nhựa ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh 5.

Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra từ các bộ, ngành và tỉnh Hưng Yên đã được tiến hành tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai. Vào năm 2019, 55 trường hợp xây dựng nhà xưởng, kho chứa và hoạt động tái chế phế liệu nhựa gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã bị tháo dỡ. Lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra nguồn gốc, đầu vào và đầu ra của phế liệu nhựa. Tuy nhiên, dù có sự kiểm tra từ các cơ quan chức năng, nhiều chủ cơ sở tại đây vẫn tìm cách né tránh và không hợp tác.

Ông Trần Chu Đức, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho biết: "Phế liệu nhập từ nước ngoài về, có hóa đơn, chứng từ còn kiểm tra được còn phế liệu nhập từ người dân thì không có hóa đơn, chứng từ để nhập nên rất khó cho cơ quan chức năng"

Tâm lý ngại thay đổi và né tránh trách nhiệm với môi trường đã khiến cho hàng trăm cơ sở sản xuất tại đây tiếp tục hoạt động trong thời gian dài dù không đáp ứng đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước