Hút chân không vét sạch khối u vú bảo tồn thẩm mỹ

Mai Linh-Thứ tư, ngày 07/12/2022 18:56 GMT+7

VTV.vn - Phương pháp sinh thiết hút chân không (VABB) giúp loại bỏ hoàn toàn u vú không gây đau, không chảy máu và không để lại sẹo, hỗ trợ chẩn đoán chính xác ung thư vú.

Ngoài VABB, nhiều phương pháp tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến vú khác đã được các bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong livestream "Phát hiện sớm, điều trị bảo tồn thẩm mỹ bệnh lý tuyến vú", diễn ra lúc 20h ngày 6/12.

Chương trình có sự tham gia tư vấn, giải đáp của những chuyên gia đầu ngành tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội: PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp; TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung Bướu; BS.CKII Lê Nguyệt Minh - Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp.

Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh lý tuyến vú thường gặp ở nữ giới, nam giới có thể mắc với tỉ lệ nhỏ (khoảng 1%). Đó là các bệnh lành tính như u xơ tuyến vú, u xơ tuyến sữa trong thời kỳ mang thai…, bệnh ác tính như ung thư vú, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt, thẩm mỹ của người bệnh. Phát hiện sớm giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công các bệnh lý tuyến vú lên tới 95%, đồng thời bảo tồn thẩm mỹ và giảm thiểu tối đa chi phí điều trị.

Hút chân không vét sạch khối u vú bảo tồn thẩm mỹ - Ảnh 1.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, trước đây để điều trị các bệnh lý tuyến vú, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp phẫu thuật mổ mở. Nhược điểm của phương pháp này là để lại sẹo lớn, dễ biến chứng, gây mất thẩm mỹ, thời gian can thiệp lâu và phục hồi chậm.

Hiện nay, BVĐK Tâm Anh Hà Nội ứng dụng phương pháp sinh thiết hút chân không u vú (VABB) khắc phục được các nhược điểm của phẫu thuật. Bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ kích thước khoảng 5mm và luồn kim (kích thước bằng ruột bút bi, hỗ trợ đầu hút chân không) vào mô tổn thương và lấy trọn vẹn khối u ra ngoài. Chỉ với một lần chọc kim, bác sĩ có thể cắt hút cùng lúc nhiều khối u. Vết rạch rất nhỏ, không gây đau, không chảy máu và không để lại sẹo, thời gian can thiệp nhanh (khoảng 5-10 phút). Thậm chí bệnh nhân không cần nằm viện, có thể đứng dậy đi về sau 2-4 tiếng làm thủ thuật.

Hút chân không vét sạch khối u vú bảo tồn thẩm mỹ - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Một độc giả đặt câu hỏi về cách phát hiện u tuyến vú lành hay ác tính, BS.CKII Lê Nguyệt Minh, Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tư vấn như sau: với u xơ điển hình lành tính thường trên hình ảnh siêu âm sẽ có hình bầu dục hoặc tròn, bờ đều, rõ nét. Khi sờ vào khối u có thể di chuyển dưới lớp da. Tuy nhiên việc khẳng định u lành hay ác vẫn cần lấy mẫu bệnh phẩm và làm sinh thiết. Nếu khối u đủ to có thể làm sinh thiết kim lõi lấy mảnh mô. Nếu tổn thương quá nhỏ (3-5mm) nên áp dụng phương pháp hút chân không, lấy toàn bộ tổn thương ra làm mô bệnh học. Trường hợp kết quả lành tính, khối u được lấy ra hết nên coi như đã điều trị xong. Trường hợp kết quả ác tính, thường là ung thư đang ở giai đoạn rất sớm, hoàn toàn có thể điều trị khỏi.

Bác sĩ Minh cũng cho biết BVĐK Tâm Anh đã phát hiện hơn 30% trường hợp u vú giai đoạn sớm. Nhờ sự phối hợp, liên kết đa chuyên khoa, gồm các bác sĩ khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Sản khoa…, người bệnh được thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện, đảm bảo tiêu chí hiệu quả, độ an toàn và tính thẩm mỹ.

Hút chân không vét sạch khối u vú bảo tồn thẩm mỹ - Ảnh 3.

BS.CKII Lê Nguyệt Minh, Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Trước thắc mắc của một khán giả về kỹ thuật đặt Marker theo dõi u vú có gây bất tiện gì không, Phó giáo sư Hiền giải thích Marker là vật chỉ điểm theo dõi các tổn thương khi lấy khối u ra, giúp đánh dấu chính xác những vùng đã có tổn thương. Marker không hại cho cơ thể, không để lại cảm giác khó chịu và có thể tồn tại với bệnh nhân cả đời.

Về mối liên hệ giữa nhân xơ tuyến vú và vấn đề mang thai, Tiến sĩ Khiêm cho biết mang thai có thể ảnh hưởng tới kích thước của khối u do liên quan tới nội tiết tố. Trường hợp nếu khối u gây đau, kích thước lớn nhanh thì có thể uống thuốc điều chỉnh nội tiết giúp giảm đau. Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh có thể lấy toàn bộ khối u xơ bằng phương pháp VABB. Phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ, không dùng thuốc toàn thân, nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi rất thấp.

Tiến sĩ Khiêm thông tin hiện BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang triển khai chương trình "Đăng ký một lần, nhắc hẹn cả đời". Theo đó người bệnh sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu thăm khám, khai thác tiền sử xem có yếu tố nguy cơ cao mắc u vú hay không, ngoài ra còn được tầm soát nguy cơ mắc các loại ung thư khác. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh chú ý tầm soát kĩ hơn bộ phận có khả năng mắc ung thư, tránh trường hợp bỏ sót bệnh.

Phó giáo sư Hiền cho biết hiện có một số phương pháp giúp phát hiện sớm tổn thương vú khi người bệnh chưa có bất cứ triệu chứng nào như siêu âm, chụp X-quang, MRI tuyến vú. Người bình thường nên khám định kỳ tuyến vú 1 lần/năm, những đối tượng có nguy cơ cao cần tăng cường khám 3-6 tháng/lần. Đó là người có tiền sử gia đình (mẹ, chị em gái, dì) bị ung thư vú; người mang 2 gen đột biến BRCA1 và BRCA2; phụ nữ trên 40 tuổi, lấy chồng muộn, không sinh con, sống độc thân hoặc có rối loạn về nội tiết, béo phì, lười vận động…

PGS Hiền cũng cho biết sắp tới BVĐK Tâm Anh Hà Nội sẽ trang bị thêm hệ thống máy chụp X-quang năng lượng kép có sử dụng thuốc cản quang hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Thiết bị này ứng dụng hiệu quả cả trong trường hợp mô vú dày đặc hoặc đã bị tổn thương, giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn tiền ung thư (khi tổn thương chưa thành ổ, vi vôi hóa rất nhỏ).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước