Với mạng lưới sông, rạch lớn nhỏ dày đặc, cùng đường bờ biển dài 270 km, Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở ven sông, ven biển luôn ở mức báo động.
Ứng phó với tình trạng này, tỉnh đã linh hoạt vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó phải kể đến là việc huy động sức mạnh của người dân cùng với chính quyền địa phương bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Với chiều dài gần 10km, kênh Lương Thế Trân là tuyến đường thủy liên tỉnh quan trọng của tỉnh Cà Mau. Tàu, ghe qua lại đông đúc nên hai bên bờ kênh thường xuyên xảy ra sạt lở, ăn sâu vào sát mép nhà dân.
Cách đây 3 năm, các hộ dân cùng với chính quyền tham gia vào dự án làm kè cây xanh để chống sạt lở bờ sông. Mắm, đước, dừa nước vừa dễ trồng lại có chi phí thấp nên nhận được sự hưởng ứng của nhiều hộ dân trong xã.
Dọc bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau, những tuyến đê biển đang dần được hình thành. Các hộ dân ven biển đã đồng thuận di dời, bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công đê kè biển. Không những vậy, người dân còn đóng góp nhân lực tại chỗ hỗ trợ quá trình xây dựng.
Nhiều năm qua, với sự góp sức của người dân, chính quyền và các đơn vị chức năng của tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng và hoàn thành hơn 56 km kè bờ biển, tổng kinh phí hơn 1.840 tỷ đồng. Vẫn còn hàng trăm km bờ kè cần phải xây dựng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, phương án phòng chống sạt, lở hiệu quả lúc này là huy động sức dân.
Theo tính toán, nếu mỗi hộ dân ven sông tự chủ động các giải pháp chống sạt lở sẽ có trên 80% bờ sông hạn chế được sạt, lở. Huy động sức dân trong phòng chống sạt, lở cũng là cách giúp người dân từng bước thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!