Theo Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Nguyễn Trường Sơn: Hiện, trên địa bàn huyện có 7 khu, cụm công nghiệp gồm các khu công nghiệp (KCN) An Dương, Nam Cầu Kiền, Tràng Duệ, KCN tàu thuỷ An Hồng, cụm công nghiệp Nam Sơn, cụm công nghiệp Lê Thiện, tổng diện tích gần 2000 ha. Các khu, cụm công nghiệp thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất- kinh doanh, giải quyết việc làm hàng nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận, đóng góp tích cực vào ngân sách thành phố. Bên cạnh các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định tại các khu, CCN nói trên, có hàng chục trường hợp chủ đầu tư sau khi đươc thành phố, huyện tạo điều kiện giao đất, chậm triển khai dự án. Trong khi người dân phải dừng sản xuất nông nghiệp để bàn giao đất cho DN.
Đáng chú ý, Dự án đầu tư xây dựng Khu công viên cây xanh và bãi đỗ xe tại các xã Tân Tiến, Bắc Sơn và Nam Sơn nhiều năm qua bỏ hoang do doanh nghiệp không đầu tư đưa vào khai thác sử dụng. Trước đó, năm 2009, UBND thành phố có quyết định thu hồi gần 165.000m2 đất giao Công ty CP công trình đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư dự án trên. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và các khoản chi phí hành chính theo phương án được duyệt, hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Dự án ở vị trí thuận lợi ven quốc lộ 10, trước đây vốn là diện tích nông nghiệp, nhưng chỉ một năm sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND thành phố để giao chủ đầu tư, DN dừng triển khai dự án. 7 năm trôi qua, toàn bộ mặt bằng dự án chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Dự án xây dựng Trung tâm kinh doanh thương mại Minh Tân ở xã Bắc Sơn rộng 14.692m2 cũng bị DN bỏ hoang. Năm 2009, khi thực hiện GPMB bàn giao chủ đầu tư, người dân phấn khởi vì trên địa bàn sẽ có Trung tâm thương mại phục vụ người dân thuận tiện, nhưng 7 năm qua, mặt bằng dự án chỉ là đống gạch vỡ, vôi thầu, cát đá ngổn ngang, ai đi qua cũng xót xa trước tài nguyên đất đai để hoang phí. Theo người dân địa phương, không những không triển khai các công trình trên đất, việc san lấp mặt bằng dự án còn phá vỡ hệ thống thủy lợi, thủy nông của địa phương, khiến việc điều tiết nước khó khăn, do ách tắc dòng chảy, toàn bộ đất nông nghiệp của người dân quanh dự án nhiều năm nay không thể đưa vào sản xuất.
Cũng trên địa bàn xã Bắc Sơn, cách Dự án Trung tâm kinh doanh thương mại Minh Tân không xa là Dự án Trường dạy nghề Thành Phát cũng để hoang nhiều năm qua. Năm 2008, UBND thành phố thu hồi 33.000 m2 đất để triển khai dự án. 8 năm qua, ngoài việc xây dựng tường rào, một phần diện tích đưa vào sử dụng, còn toàn bộ diện tích còn lại bị bỏ hoang, cỏ mọc ngút đầu người.
Trước thực tế nhiều dự án bỏ hoang đất, hoặc san lấp mặt bằng rồi để đó không triển khai tiếp, huyện An Dương sớm tổ chức rà soát lại từng dự án. Dự án nào chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, hoặc có ý định "rải chiếu, chiếm chỗ", có biểu hiện "bán dự án", UBND huyện An Dương đề xuất UBND thành phố thu hồi đất, giao chủ đầu tư khác thực hiện, tránh để tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai như nêu trên.