Bước vào mùa gió chướng, sạt lở bờ biển ở ĐBSCL đang tăng nhanh và ở mức độ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt xói lở bờ biển Đông diễn biến phức tạp và khó lường.
Trước thực trạng này, tỉnh Tiền Giang đã triển khai hàng loạt giải pháp cả công trình lẫn phi công trình để bảo vệ đê biển. Hiệu quả nổi bật nhất là giải pháp thi công kè giảm sóng, chống xói lở đê biển Gò Công.
Nằm ngay sát mé biển, nhưng 3 ha mặt nước nuôi tôm không còn đối mặt với nguy cơ sạt lở. Hơn 5 km kè giảm sóng, gây bồi của Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) đã tạo niềm vui lớn cho ông Hùng và nhiều hộ nuôi thủy sản quanh khu vực.
Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 được ứng dụng công nghệ để giảm sóng. (Ảnh: Nhân dân)
"Trước đây, chưa có kè đê thì hàng năm, khu vực này bị lở rất là nhiều. Một vài chục mét là bình thường, nhưng sau khi đê kè rồi thì rất hiệu quả. Bà con rất an tâm vấn đề sản xuất, kinh tế, nhất là nuôi trồng thủy sản", ông Phạm Văn Đoàn, xã Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang, chia sẻ.
Năm 2021, trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng khoảng 9 km kè đê biển Gò Công bằng bê tông trụ rỗng. Đây là giải pháp mới và đang phát huy hiệu quả cao.
"Kè này đã phát huy hiệu quả, giảm sóng, gây bồi. Qua số liệu quan trắc của đơn vị quản lý, đến thời điểm này, có những vị trí bồi được 0,5 - 0,7m. Đặc biệt có những vị trí bồi được đến cao trình. Hiện nay một số cây rừng, bần, mắm đã mọc và tái sinh trở lại", ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết.
Đê biển Gò Công có khả năng chống chịu bão cấp 8 - 9, ngăn chặn ảnh hưởng của triều cường, gió biển trong mùa gió chướng. Công trình bảo vệ khoảng 43.000 ha đất canh tác của khoảng 600.000 hộ dân vùng ngọt hóa thuộc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và 7 xã huyện Chợ Gạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!