"Khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi"

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 29/05/2023 11:26 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, phát triển y tế dự phòng đang gặp khó khăn lớn nhân lực, thu nhập và chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất.

Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cho biết trải qua 3 năm chống dịch cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các loại dịch khác.

Ông Hiếu đề nghị Bộ Y tế giao cho các bệnh viện, địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, cho tặng.

Về phát triển y tế dự phòng, theo ông Hiếu đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Khó khăn nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập và chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. "Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không có ai biết sử dụng thì cuối cùng lại lãng phí rất lớn", ông Hiếu nói.

Khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Theo vị đại biểu, trạm y tế xã có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là dự phòng, tiêm chủng, phòng chống dịch, tuyên truyền. Thứ hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu - cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước.

Theo ông, dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở đủ sức tồn tại và phát triển. Sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã phường.

"Không có lý gì cùng một bệnh nền nếu chữa ở xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp giá 100 đồng. Trong khi đó nếu lên huyện, lên tỉnh thì được sử dụng thuốc đắt tiền hơn. Ngoài ra, một đêm trực tiền thù lao không đáng là bao, khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi", ông Hiếu băn khoăn.

Đặt câu hỏi, làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường.

Sinh viên y khoa học 6 năm, ra trường chỉ nhận mức lương trên dưới 5 triệu đồng

Còn liên quan đến vấn đề y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đánh giá dịch COVID-19 vừa qua đã phơi bày những tồn tại, hạn chế khi nhiều nơi bị quá tải.

Nguyên nhân là bởi thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế. Nhiều bác sĩ ở hệ thống y tế cơ sở dịch chuyển sang hệ thống tư nhân và các đô thị lớn; việc tinh giản biên chế hiện vẫn áp dụng với ngành y. Sinh viên trường y mới ra trường rất ít về các bệnh viện, trung tâm y tế cơ sở.

"Nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp, 10-15 năm nữa, trạm y tế cơ sở sẽ không còn bác sĩ", bà Yến Nhi nói, đồng thời khẳng định, tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với cán bộ y tế hiện chưa tương xứng với thời gian, công sức lao động mà các y, bác sĩ bỏ ra.

"Sinh viên trường y phải học 6 năm, đầu vào điểm rất cao, học phí cũng rất cao, trên dưới 200 triệu/năm, nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận được mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng, rất khó sống", bà nói.

Khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)

Cũng theo đại biểu đoàn Bến Tre, ở các trạm y tế cơ sở, mỗi đêm trực chỉ có một nhân viên, nhưng các trường hợp cấp cứu ban đêm vì tai nạn giao thông, đánh nhau… rất phức tạp, cho nên các nhân viên y tế, nhất là với nhân viên nữ không dám trực một mình, mà đi trực thường đưa theo mẹ, chị, em, chồng, con đi cùng.

Có nhân viên nhờ đồng nghiệp trực cùng, rồi chia chế độ tiền trực cho đồng nghiệp. Nhưng tiền trực mỗi đêm được 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng.

"Thấp như thế, không xứng đáng với công sức họ bỏ ra, khó giữ chân y bác sĩ ở hệ thống y bác sĩ cơ sở", bà nói, đồng thời cho hay, các cấp ngành phải quan tâm và có giải pháp để tháo gỡ cho hệ thống y tế ở cơ sở.

Người dân đến cơ sở y tế chiếm tỷ lệ rất thấp

Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.

Khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi - Ảnh 3.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng)

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Đại biểu đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở. Đồng thời, tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy tối đa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước