Nếu những năm trước, tại các thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp phải dùng những giải pháp tốt nhất để thu hút lao động thì nay, ngay tại các vùng nông thôn cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da trên địa bàn nông thôn miền Trung đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân công, trong khi có thừa khả năng về tài chính. Riêng tại Quảng Nam, con số 10.000 nhân công đang thiếu hụt khiến doanh nghiệp và chính quyền địa phương lúng túng.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết mà còn tác động đến môi trường đầu tư. Vì thế, điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này là có chính sách giữ chân người lao động và thay đổi công nghệ để tiết kiệm nhân công.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Huỳnh Gia, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - chia sẻ: "Sau Tết thường có biến động lao động, sự dịch chuyển giữa các doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải chăm lo đời sống cho công nhân, chế độ đãi ngộ cũng như các chính sách tiền lương, tiền thưởng để giữ chân người lao động".
Ông Trần Thi - Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho rằng: "Để tồn tại và phát triển, bản thân doanh nghiệp phải đặt ra nhiều chính sách. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chế độ chính sách để người lao động về với nông thôn nhiều hơn".
Khủng hoảng lao động, cũng là lúc xảy ra cuộc cạnh tranh gay gắt về thị trường lao động giữa các doanh nghiệp ở các vùng nông thôn miền Trung và có khả năng cuộc cạnh tranh này lâm vào cảnh thiếu lành mạnh là điều khó tránh khỏi khi chưa có những quyết sách chiến lược, căn cơ từ phía chính quyền các địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.