Khảo sát, nghiên cứu hải dương học ở vùng biển Việt Nam

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 28/06/2024 22:57 GMT+7

VTV.vn - Chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp Việt - Pháp trong vùng biển ven bờ Việt Nam, sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA của Pháp kéo dài từ 28/5 đến 11/7/ 2024.

Tiếp nối hoạt động nghiên cứu chung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) đã triển khai chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp Việt - Pháp trong vùng biển ven bờ Việt Nam, sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA của Pháp bắt đầu ở vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh và kết thúc ở vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng trong thời gian từ 28/5 đến 11/7/ 2024. 

Đây là hoạt động khoa học trong khuôn khổ dự án "Nghiên cứu vận chuyển vật chất từ lục địa và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam", gọi tắt là PLUME.

Ngày 26/6/2024, VAST và IRD đã tổ chức sự kiện giới thiệu dự án "Nghiên cứu vận chuyển vật chất từ lục địa và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam" (PLUME ).Tham dự sự kiện có ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, Trưởng Đại diện IRD tại Việt Nam; PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VAST, Văn phòng IRD tại Việt Nam cùng các nhà khoa học Việt – Pháp trong khuôn khổ dự án.

Khảo sát, nghiên cứu hải dương học ở vùng biển Việt Nam - Ảnh 1.

Báo cáo sơ bộ kết quả chuyến khảo sát tại tàu ANTEA.

PLUME báo cáo những kết quả sơ bộ chuyến khảo sát và cập nhật nội dung sẽ tiếp tục triển khai trong khu vực biển phía Nam tại tàu khoa học ANTEA (tàu nghiên cứu khoa học cỡ nhỏ, thuộc Hạm đội tàu Hải dương học Pháp (French Oceanographic Fleet) đang neo tại cảng Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển- VAST, đơn vị chủ trì phía Việt Nam của chuyến khảo sát đã điểm lại hành trình hơn 20 năm hợp tác VAST-IRD trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển; những kết quả nghiên cứu đào tạo chính trong chuyến khảo sát hỗn hợp năm 2014 giữa hai bên làm cơ sở triển khai chuyến khảo sát 2024.  

Một số dữ liệu về các quá trình vật lý biển, trầm tích, các quá trình sinh - địa - hóa và quang học ở vùng cửa sông ven biển, dòng vật chất vận chuyển từ lục địa (river plume) vừa thu thập được đã được TS. Marc Teddeti, Trưởng nhóm khảo sát của IRD và TS. Vũ Duy Vĩnh, Trưởng nhóm khảo sát VAST cập nhật tại buổi làm việc.

Khảo sát, nghiên cứu hải dương học ở vùng biển Việt Nam - Ảnh 2.

Tàu nghiên cứu khoa học ANTEA cập bến tại cảng Nhà Rồng, TP. Hồ Chí Minh.

Những hoạt động hợp tác dài lâu này giữa VAST và IRD đã được Đại sứ Olivier Brochet đánh giá cao và bày tỏ việc sẽ cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các tổ chức liên quan khác của Pháp tiếp tục ủng hộ để hai bên có thể thuận lợi tiến hành hoạt động hợp tác.

Kết luận buổi Hội thảo, PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị các nhà khoa học VAST và IRD tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng phân tích, đánh giá và chia sẻ để làm rõ thêm bản chất của quá trình vận chuyển các chất hữu cơ từ lục địa ra vùng nước ven bờ, xây dựng căn cứ khoa học tạo tiền đề cho các nghiên cứu trong tương lai, góp phần giải quyết bài toán về quản lý bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ của Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Sau sự kiện, tàu ANTEA và các nhà khoa học Việt – Pháp tiếp tục triển khai các nghiên cứu theo lộ trình khảo sát đã được cấp phép và dự kiến hoàn thành và ra khơi trở lại Pháp vào ngày 12/7/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước