Sinh con muộn, già hóa dân số, lực lượng lao động thiếu hụt, chi phí chăm sóc người cao tuổi thì tăng lên, sự ổn định của hệ thống kinh tế, xã hội bị đe doạ. Đó là vài trong số những hậu quả dễ thấy và đã được nhắc tới nhiều lần liên quan đến việc kết hôn muộn, thậm chí là ngại kết hôn, ngại sinh con. Các quốc gia đang rơi vào tình trạng này đều đang tìm mọi cách để khắc phục.
Như tại Hàn Quốc, một trong những nơi có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, đang hỗ trợ 2 triệu Won cho mỗi trẻ em chào đời tại thủ đô Seoul và đang đề xuất cho phép mỗi cặp vợ chồng hưởng chế độ thai sản kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay. Đây là nỗ lực thay đổi về mặt chính sách trong bối cảnh có tới 3/4 phụ nữ trong độ tuổi 20-40 tại nước này coi việc kết hôn là không cần thiết.
Còn tại Nhật Bản, trước thực trạng tỷ lệ sinh thấp, chủ yếu là do xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn, việc tăng cường chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân kết hôn cũng là lựa chọn bắt buộc. Từ tháng 4/2021, các cặp đôi mới kết hôn ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 Yen (khoảng 5.700 USD), tất nhiên còn tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể kèm theo.
Hình minh họa (Nguồn: Reuters)
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt đã tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Từ mốc 24,4 tuổi năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Cá biệt, một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30.
Chuyện kết hôn với nam giới tại Việt Nam lại càng khó khăn hơn do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Với tư tưởng vẫn còn tồn tại: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" thì dự kiến, chúng ta sẽ có 1,5 triệu nam giới bị dư thừa do không có đôi vào năm 2034 và tới năm 2050, sẽ có tới hơn 4 triệu nam giới phải đối diện nguy cơ không lấy được vợ.
Hài hước chuyện tuyển con dâu - kén con rể
Khi "sum vầy bên con cháu" vẫn được coi là niềm vui tuổi già của nhiều người thì những người sốt ruột hơn cả đôi khi lại không phải là những thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng. Bố mẹ của những thanh niên ấy mới là người lo lắng, từ đó mới có những hình ảnh đăng tuyển con dâu - con rể hài hước.
Như hình ảnh của chàng trai ở Bắc Ninh này. Người mẹ này đã in hẳn 1 tấm poster đặt ngay trước cửa để "rao bán" con trai với lời quảng cáo vừa nhiệt tình vừa hài hước. Đẹp trai, chịu khó làm ăn, yêu trẻ con, không chơi đêm vì sợ ma… Phía dưới không quên để "minh họa" và ghi rõ số điện thoại của mình cho các "ứng viên" tiện liên hệ.
Hoặc như chiếc bảng Led được cho là chụp ở Hải Phòng đã đăng tuyển con rể lại còn có ưu đãi vô cùng hấp dẫn đi kèm để tặng ứng viên trúng tuyển, gồm: 2 lô đất và 2 tỉ tiền mặt và khoảng 5 cây vàng 4 số 9.
Rất có thể những thông báo tuyển vợ - tuyển chồng như vừa rồi chỉ là khoảnh khắc đùa vui của cá nhân nào đó thôi, nhưng nỗi lo và các biện pháp thúc giục con cái lập gia đình của các bậc phụ huynh là có thật.
1001 cách giục con trên TikTok chuyện lấy chồng
Biện pháp đầu tiên, ở cấp độ thấp nhất là khuyên nhủ. Các vị phụ huynh sẽ dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, rung động lòng người để từ từ thấm cho con cái ý thức được sự quan trọng của kết hôn.
Với cấp độ cao hơn, những lời cảnh báo sẽ được đưa ra. Với một tone giọng căng thẳng và quyết liệt hơn, "đe dọa" là động từ chính xác để dành cho hành động này khi bạn trẻ có nguy cơ sẽ bị gạch tên ra khỏi hộ khẩu vì không chịu lấy chồng.
Và thậm chí, khi sự lo lắng sốt ruột còn lan sang bà con cô bác láng giềng, thì bạn sẽ bị giục mọi lúc mọi nơi.
Người trẻ và lý do kết hôn muộn
Khi đã đủ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm rồi, mà vẫn chưa chịu làm thì đó là "muộn". Nếu lấy đây làm hệ quy chiếu, ta sẽ phần nào hiểu hơn quyết định chưa lập gia đình của nhiều người trẻ. Có lẽ theo những trải nghiệm của họ, chưa đến lúc hợp lý để nói về chuyện kết hôn. Thế giới có hơn 8 tỉ người, vậy mà nhiều người chưa tìm được nửa kia của mình.
Mỗi ngày dành 8-10 tiếng để làm việc, thời gian còn lại Nguyễn Trà My (Nhân viên văn phòng) thường dành để đầu tư cho bản thân như đọc sách, chơi thể thao... Thời điểm này, kết hôn chưa phải là việc ưu tiên hàng đầu.
Thay vì tìm 1 công việc ổn định rồi lập gia đình, nhiều bạn trẻ ngày nay lại có xu hướng yêu thích những công việc tự do, mang lại nhiều trải nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, Đào Minh Tiến yêu thích trải nghiệm những vùng đất mới lạ.
May mắn đã gặp được đúng người, và có mối tình 10 năm hạnh phúc. Thế nhưng Lê Minh (Thành phố Hà Nội) và bạn gái đều chưa có ý định kết hôn.
Sẽ có rất nhiều lí do việc lựa chọn kết hôn muộn ở người trẻ. Và khái niệm "ổn định" có lẽ đã thay đổi ở mỗi thế hệ.
Kết hôn muộn, có chắc sẽ tốt hơn?
Đầu tư để hoàn thiện bản thân và đợi đến lúc gặp đúng người, đúng thời điểm, đó là chắc chắn là một cách nghĩ đúng đắn để kiếm tìm một hạnh phúc gia đình thực sự. Nhưng cũng có một thực tế khác là chiếc đồng hồ thời gian vẫn cứ quay, kéo theo đó là những thay đổi trong cơ thể con người mà không tuổi xuân nào giữ nổi.
Chẳng thế mà trong "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu rõ: "khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi".
Chị Hoàng Thị Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay 41 tuổi, lập gia đình cách đây hơn 1 năm cũng là từng ấy thời gian vợ chồng chị chờ đợi con đầu lòng. Thực tế, những trường hợp như chị Vinh không hiếm gặp tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia.
Th.S Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết: "Ở nam giới, độ tuổi sinh sản có thể từ 30, 40 đến 50, 60 tuổi, nhưng nữ giới thì gặp rất nhiều vấn đề nếu sinh con ngoài độ tuổi từ 20 - 30, như bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, tiền sản giật… xảy ra do nội tiết tố thay đổi".
Kết hôn muộn không sai, đầu tư thời gian cho sự nghiệp, cho những trải nghiệm cũng là cần thiết. Nhưng hãy lên cho mình một kế hoạch nếu bạn xác định mình sẽ lấy chồng, sinh con. Và chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch ấy.
Cách đi tìm một nửa còn lại
Phải nói rằng việc kết hôn, sinh con không phải cứ cố sớm là sớm được, bởi đó đều là những hành trình thiêng liêng của con người. Một cuộc hôn nhân sẽ chỉ thực sự ý nghĩa và bền chặt khi nó xuất phát từ tình yêu. Thế cũng có nghĩa, phải tìm được một nửa kia của mình trước đã.
Dưới đây là một số gợi ý nhỏ dành riêng cho những khán giả còn đang cô đơn làm sao để tìm được một nửa của mình:
"Bí kíp" đi tìm một nửa còn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!