Trưởng ban quản trị cũ đã bán nhà chuyển đi nơi khác. Người dân đã tổ chức Hội nghị bầu ra Ban quản trị mới do không còn tín nhiệm các thành viên của quản trị cũ. Ngay sau đó ban quản trị cũ đã không đóng dấu văn bản gửi lên phường để công nhận Ban quản trị mới, với lý do: hội nghị nhà chung cư có một số điểm bất thường, nhất là về phiếu bầu và yêu cầu UBND phường phải thanh tra lại hội nghị.
Ban quản trị cũ cho rằng, trong lúc chưa có kết quả thanh tra, họ vẫn có quyền hoạt động bình thường, vẫn tiến hành bổ nhiệm lại nhân sự và lên kế hoạch chi tiêu và quản lý quỹ bảo trì gần 200 tỷ đồng của cư dân.
Đại diện UBND phường Cổ Nhuế cho biết, hiện đang yêu cầu ban quản trị cũ phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để công nhận ban quản trị mới. Trường hợp Ban quản trị cũ cố tình không thực hiện thì sẽ phải yêu cầu cư dân lấy biểu quyết một lần nữa về việc họ có đồng ý với kết quả bỏ phiếu của Ban quản trị mới hay không mới có cơ sở để công nhận ban quản trị mới.
Trong lúc giải quyết tranh chấp giữa ban quản trị cũ và cư dân chưa được giải quyết thì các thành viên trong ban quản trị mới cho biết, họ đang phải đối mặt với một loạt đơn thư nặc danh gửi lên cơ quan nơi họ công tác, tố cáo họ tham nhũng tiền quỹ bảo trì, trong khi họ chưa hề nhận bàn giao từ ban quản trị cũ. Thâm chí trưởng ban quản trị mới do không chịu được sức ép đã xin rút khi chưa điều hành ngày nào.
Hiện chế tài về việc buộc ban quản trị cũ phải bàn giao cho ban quản trị mới trong các văn bản pháp luật vẫn chưa rõ ràng. Nên dẫn tới việc ban quản trị cũ không bàn giao thì ban quản trị mới không thể hoạt động được. Trong tình huống này, nếu muốn công nhận ban quản trị mới thì lại phải một lần nữa lấy lại ý kiến cư dân hoặc tổ chức hội nghị lại và điều này sẽ gây rất nhiều tốn kém về kinh phí cũng như thời gian công sức của cư dân. Bởi vậy rất cần có những chế tài đối với việc chây ì bàn giao này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!