Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh những anh hùng bất khuất trên chiến hào, có những người lính hành trang trong ba lô chỉ có ngòi bút, vần thơ và nốt nhạc nhưng họ đã để lại hàng trăm ca khúc, tác phẩm vô giá động viên toàn quân, toàn dân.
Tại Nhà hát Hồ Gươm, với đêm diễn đầu tiên của chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "Điện Biên Phủ - không bao giờ quên", một lần nữa các tác phẩm ấy lại vang lên tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng ấy, để những thế hệ hôm nay được cảm nhận và sống lại tinh thần Điện Biên Phủ.
Với 5 ca khúc: Hò kéo pháo; Quê tôi giải phóng; Mừng chiến thắng Tây Bắc; Bài ca chiến thắng Điện Biên và Mùa lúa chín, chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - không bao giờ quên" đã tái hiện lại một phần không khí ngày Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ nhất. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Năm ca khúc của những ngày "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" (Tố Hữu) cũng như bức tranh của các dân tộc Việt Nam đứng bên nhau trong chiến dịch Điện Biên Phủ được vang lên tại Nhà hát Hồ Gươm dịp kỷ niệm trọng đại này có một ý nghĩa đặc biệt. Các nghệ sĩ trong đội kèn đồng tại Trại Bảo an binh, nơi Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc ngày nay cùng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên lên đường đi theo cách mạng cũng chính là những nghệ sĩ tham gia dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam (1959) khẳng định tinh thần Điện Biên Phủ tạo nên những con người kiệt xuất trên chiến trường và trong nghệ thuật.
Những khoảng khắc ấn tượng trong Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt "Điện Biên Phủ - không bao giờ quên":
Nhạc trưởng Lê Phi Phi, chỉ huy dàn nhạc buổi biểu diễn. Hiện nay nhạc trưởng Lê Phi Phi đang là Nhạc trưởng chỉ huy Dàn nhạc của Trung tâm Nhạc và Vũ kịch "Ilia Nikolovsski-Lui"; Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia và Nhà hát Vũ kịch Cộng hòa Bắc Maccedonia.
Mở đầu chương trình là tác phẩm "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao với sự biểu diễn của dàn Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng.
Những giai điệu ngập tràn không khí hân hoan, tưng bừng, mừng chiến thắng của của tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” một sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, với sự biểu diễn của Dàn nhạc kèn - Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.
Ca sĩ Đào Tố Loan biểu diễn cùng NSUT Tuyết Mai và dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng tác phẩm "Quê tôi giải phóng".
Ca sĩ Đào Tố Loan là giọng nữ cao (soprano), có thể thể hiện được nhiều dòng nhạc từ cổ điển phương Tây đến âm nhạc Việt Nam.
NSUT Tuyết Mai là người Kinh đầu tiên đưa nghệ thuật hát Then và đàn tính lan tỏa trong giảng dạy, biểu diễn ở Hà Nội.
Ca sĩ Phạm Thu Hà cùng dàn nhạc biểu diễn tác phẩm "Biết ơn chị Võ Thị Sáu".
Tốp ca nam của Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân với tác phẩm "Bác đang cùng chúng cháu hành quân".
Dàn đại hợp xướng với ca khúc Hò kéo pháo, một điểm nhấn đặc biệt trong chương trình "Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên".
NSUT Nguyễn Huy Đức với giọng baryton, anh đảm nhiệm các vai chính trong những opéra được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng và là soliste thường xuyên biểu diễn trong dàn hợp xướng của rất nhiều tác phẩm cổ điển và từng giành nhiều giải thưởng và huy chương tại cuộc thi và liên hoan nghệ thuật toàn quốc.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Khán giả chăm chú theo dõi buổi biểu diễn.
Những màn biểu diễn chạm tới cảm xúc của khán giả.
Những bản hùng ca giúp cho người trẻ hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau đêm diễn thứ nhất, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 3/5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!