Đoạn clip được ghi hình tại vùng cao Hà Giang, trong đó có cảnh cô gái trẻ bị một nam thanh niên ra sức kéo về nhà "làm vợ". Dù thiếu nữ cố gắng vùng vẫy, bỏ chạy, thanh niên vẫn đuổi theo, hòng đưa về bằng được. Sau đó, một cán bộ công an đã kịp thời xuất hiện, giữ nam thanh niên và giúp đỡ cô gái.
Đáng chú là rất nhiều người xung quanh chỉ đứng nhìn hoặc ghi hình, không hề có ý can ngăn hành vi của chàng thanh niên kia.
Thấy sự lạ, cứ ghi hình cái đã - Hành động này là phản xạ dễ hiểu, khi ngày nay chiếc điện thoại như đã được cấy vào bàn tay của bất kỳ ai. Nhưng việc ghi hình ấy cũng chính là rào cản ngăn chúng ta đến với những hành động cần thiết tại thời điểm "sự lạ" kia diễn ra.
"Tại sao cứ đứng ghi hình, mà không can thiệp khi thấy cô gái bị ép buộc như thế?" - nhiều người đã bình luận như vậy, khi xem đoạn clip này. Nhưng cũng đừng vội trách người đã ghi hình đoạn clip ấy bởi anh ấy không ra tay giúp đỡ là vì lý do khác còn đáng nói hơn thói quen ghi hình kia. Anh ấy là khách du lịch đi ngang qua và cũng giống như nhiều người khác, tưởng rằng: "bắt vợ" là phong tục được chấp nhận của người Mông tại Hà Giang. Sự thật, tất nhiên, không phải như vậy.
Thực tế, bắt vợ là một phong tục lâu đời của người Mông. Những đôi trai gái yêu nhau trước khi hai gia đình chính thức hỏi cưới, khi đó, chàng trai vẫn đi bắt và cô gái sẽ "giả vờ" chống cự nhưng cuối cùng sẽ bằng lòng, theo về nhà trai.
Bước đầu xác minh chàng trai ở xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc), 16 tuổi, còn cô gái ở xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn), 12 tuổi. Cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn.
Ngay sau khi đoạn clip nam thanh niên "bắt vợ" được đăng tải, trao đổi với báo chí, ông Vương Duy Bảo cho biết, người Mông không có tục lệ nào có tên là tục "bắt vợ" mà chỉ có tục "kéo dâu".
Đây là nét văn hóa lâu đời mang tính nhân văn tốt đẹp, mục đích là để rút ngắn lại các thủ tục cưới xin phức tạp. Tuy nhiên, điều kiện để tiến hành thủ tục này là đôi nam nữ phải cùng ưng thuận, có tình cảm với nhau, không phải chàng trai nào thích "kéo" cô gái nào về làm vợ cũng được.
Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ việc này. Có 2 điều xin được làm rõ: thứ nhất là trong văn hoá của người Mông, không có tục "bắt vợ". Vì vậy, tại thời điểm thấy hành động này, bạn hãy hiểu rằng đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ, bắt giữ người trái pháp luật. Bởi vậy, trong chừng mực cho phép, hãy tìm cách can thiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!