Việc đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh COVID-19 là một trong những biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo khi dịch bệnh xảy ra và là giải pháp đầu tiên khi thực hiện 5K. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lạm dụng khẩu trang y tế khi không cần thiết, đeo sai cách, vứt bỏ bừa bãi có thể gây nguy cơ phát tán COVID-19 trong thời điểm dịch, làm tăng lượng rác thải bỏ, ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt khó khăn cho vấn đề xử lý rác.
Khẩu trang vải có thể sử dụng được nhiều lần để tránh lãng phí. Ảnh minh họa
Mỗi ngày, chị Hiền, công nhân của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội phải tiếp xúc với một lượng không nhỏ rác sinh hoạt, đủ thành phần khác nhau. Trong đó, rác khẩu trang y tế ngày càng nhiều. Chỉ tính đơn giản, nếu mỗi người sử dụng và thải bỏ 1 khẩu trang y tế thì lượng khẩu trang vứt bỏ khá lớn. Tuy nhiên, lượng rác này chỉ được xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.
Bộ Y tế đã có quy định về việc sử dụng khẩu trang y tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo việc đeo khẩu trang y tế khi không có chỉ định sẽ gây lãng phí, đôi khi bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng… Vì vậy, trong thời điểm này, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, sử dụng khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Không chỉ đơn giản là sử dụng khẩu trang, quan trọng hơn là mọi người cần có ý thức giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tự tạo ra miễn dịch cho bản thân và giảm áp lực cho môi trường khi phải xử lý lượng rác thải không cần thiết.
Tác dụng khẩu trang vải
- Sử dụng nhiều lần
- Không phải đưa vào xử lý như chất thải y tế
- Không ô nhiễm môi trường
- Giải quyết vấn đề kinh phí
- Có thể thiết kế thẩm mỹ
- Phòng chống được các bệnh lây theo đường hô hấp khác có hình thức lây theo giọt bắn như SARS-COV-2
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!