Cách thức kiếm tiền từ TikTok
Chỉ mới bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới. Không chỉ giải trí, giờ đây nhiều người trẻ còn coi nền tảng TikTok là cơ hội đổi đời, xây dựng sự nghiệp.
Muốn biết cái bẫy nằm ở đâu trong hành trình kiếm tiền từ TikTok, trước tiên phải hiểu về các cách kiếm tiền của người dùng trên nền tảng này. Tại Việt Nam hiện nay, cơ bản có những cách sau:
- Quảng bá sản phẩm và thương hiệu cho các nhãn hàng: Bằng cách giới thiệu, nêu cảm nhận, lồng ghép nhãn hàng vào tiểu phẩm…, các nhãn hàng sẽ chi trả một khoản chi phí như trong hợp đồng đã ký kết trước đó.
- Tặng quà qua livstream: Hình thức cho - tặng hoàn toàn tự nguyện này nhằm khích lệ, cổ vũ người livestream. Bù lại, người livestream sẽ càng tích cực hơn nữa trong việc sáng tạo ra các nội dung hay, hấp dẫn, cống hiến cho người xem.
- Tự kinh doanh: Nghĩa là tự xây dựng thương hiệu, tự mình quảng bá sản phẩm, tự chốt đơn, đóng gói, vận chuyển… - chủ động trong mọi quy trình kinh doanh do mình tạo ra.
+ Tiếp thị liên kết (Affiliate): Nhiệm vụ của các TikToker là review, đánh giá, quảng bá sản phẩm… cho nhãn hàng, càng nhiều người click vào đường link tiếp thị liên kết thì TikToker đó càng nhận được nhiều hoa hồng và ngược lại.
"Bẫy" hút tương tác trên TikTok
Bên cạnh đó, nếu đi sâu hơn còn nhiều cách làm khác nhưng tựu trung lại, cách gì thì cũng có một điểm chung là càng nhiều lượt xem, lượt theo dõi, càng kiếm được nhiều tiền. Nếu không tỉnh táo trong quá trình xây kênh kiếm tiền, cái bẫy sẽ xuất hiện bắt đầu từ đây. Ngoài việc thực hiện những trào lưu xấu độc, phản cảm để hút tương tác như phản ánh trong các bản tin của VTV, còn một tuyến nội dung cũng được nhiều người lựa chọn đó là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Đây là cách làm nội dung thông minh bởi một trong những điều khiến các TikToker đau đầu khi xây kênh là phải tìm được nguồn nội dung vô tận để khai thác. Nói về những thứ mình giỏi chính là một trong những nguồn vô tận ấy. Vì mục tiêu cuối cùng vẫn là cần có nhiều người tương tác để xây uy tín cho kênh nên có lẽ có 2 lĩnh vực thường được các chuyên gia rởm lựa chọn là "Y tế" và "Dạy làm giàu" bởi nhắc tới sức khỏe và tiền thì ai chẳng muốn xem thử. Xem thử nhưng với những lời chia sẻ không có chuyên môn, hệ quả xấu lại là thật.
Trong lĩnh vực y tế, tình trạng "nghe lời 'bác sĩ TikToker' nên phải đi gặp bác sĩ thật" đang xuất hiện ngày một nhiều, tất cả là bởi tin vào các bí quyết chăm sóc sức khỏe dưới những đoạn video ngắn trên TikTok. Rất nhiều trong số đó chẳng có bằng chứng hay bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh là đúng. Chẳng hạn như, chữa bệnh ung thư bằng cách nhịn ăn, những người tập gym thì không nên uống nước lọc, hay đặc biệt nguy hiểm như thông tin chích 10 đầu ngón tay để cấp cứu người đột quỵ…
Hậu quả dễ thấy nhất có lẽ là ở mảng thẩm mỹ. Như một cô gái sau ca phẫu thuật nâng mũi theo lời quảng cáo hấp dẫn của một "bác sĩ TikTok" đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi mũi có nguy cơ hoại tử nặng, không biết khi nào mới phục hồi.
Còn ở mảng làm giàu, chỉ gõ từ khóa "làm giàu", "bí kíp thành công", "quản lý tài chính"... trên TikTok sẽ xuất hiện hàng loạt video chia sẻ cách làm giàu nhanh chóng. Có những chuyên gia thật, kiến thức thật nhưng cũng có những clip chỉ hướng tới mục đích bán các khóa học về đầu tư tài chính có mức phí trên trời, còn những thông tin quan trọng khác của người đang chia sẻ như: bằng cấp, chuyên môn, kinh nghiệm của chủ video lại không được đề cập. Thậm chí, có cả những câu thần chú hút tiền được nhiều người xem xin vía.
Nếu cuốn sổ đặt hàng vũ trụ là thật, có lẽ câu thần chú mà mỗi người dùng mạng xã hội cần ghi xuống và đọc thầm lại mỗi tối sẽ là: "Tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn nếu những clip nhảm trên mạng xã hội không chạm tới tôi trên nhiều nền tảng khác nhau, liên tục, liên tục và liên tục".
Nói về "bẫy" hút tương tác, ngay cả với những người có chuyên môn trong lĩnh vực của mình, mong muốn hút tương tác về có thể là khởi nguồn cho ranh giới mong manh trong cách thể hiện chừng mực và phản cảm.
Tiềm ẩn những nội dung phản giáo dục trên TikTok
Hướng dẫn cách "gian lận" trong thi cử, khoe hút thuốc, chửi thề, thậm chí tạo trào lưu "đánh giáo viên", tất cả những video phản giáo dục như thế này thu hút từ vài trăm đến hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok.
Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - chia sẻ: "Chắc chắn là phản giáo dục với học sinh. Các em sẽ lầm tưởng rằng hành vi có thể chấp nhận được và các em sẽ làm theo. Điều đấy sẽ dẫn đến một chuỗi hành vi tiêu cực trong học đường."
Đặc biệt, những hành động và phát ngôn không phù hợp của những người tự xưng là "giáo viên" đã làm lệch lạc hình ảnh của người thầy, truyền đạt những suy nghĩ lệch chuẩn đối với học sinh. Nguy hại hơn, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nên những nội dung giật tít, độc hại, phản cảm sẽ đều có thể phân phối rộng rãi gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Tạo màng lọc thông tin cho người dùng là học sinh cần nỗ lực từ nhiều phía. Chỉ khi nào toàn xã hội vào cuộc tích cực, lá chắn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới thực sự vững chắc, an toàn.
Dù mong muốn kéo tương tác về chỉ là để cho vui hay là để kinh doanh trên TikTok thì đôi khi, ranh giới trong cách thể hiện phản cảm và sáng tạo thu hút cũng là điều khó nói.
Cần tỉnh táo để tránh "bẫy" sản phẩm khi bán hàng trên TikTok
Cái bẫy thứ hai phải nói tới trên hành trình kiếm tiền từ TikTok chính là những mặt hàng được chọn để kinh doanh. Đây cũng là 1 trong 6 nội dung vi phạm của TikTok tại Việt Nam được đánh giá đã gây ra nhiều hệ lụy với đời sống, kinh tế, xã hội.
TikTok chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… Với các TikToker đang bán các sản phẩm trên nền tảng TikTok, để tránh cái bẫy này sẽ cần hai điều: sự chân thực từ bản thân và kiến thức thực tế về sản phẩm.
Để tránh cái "bẫy" này, theo anh Trần Mạnh Duy - người sáng lập DCGROUP, chuyên gia về TikTok tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là có gì nói nấy, tuyệt đối không nói những gì mình không thấy, không biết khi livestream trên TikTok.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!