Đôi vợ chồng vừa trở về từ Mỹ đến IVF Tâm Anh TP Hồ Chí Minh điều trị hiếm muộn. Ảnh: Hoài Thương
Kết hôn trễ, chị Huyền cùng chồng quốc tịch Đức là anh Everhardt chuyển đến Đức sinh sống. Sau 3 năm không có con, họ đi khám. Chị Huyền bị tắc vòi trứng, suy giảm dự trữ buồng trứng. Anh Everhardt có nồng độ tinh trùng thấp, độ di động kém. Suốt 5 năm sau đó, họ chạy chữa, thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) 2 lần với tổng cộng 5 lần chuyển phôi đều thất bại.
"Tôi đã 44 tuổi, chồng 53 tuổi. Bác sĩ ở Đức khuyên xin trứng, tôi biết mình còn rất ít hy vọng", chị Huyền nói, cho hay thêm đó là lý do chị thuyết phục chồng gấp rút về Việt Nam trước Tết. Họ sẽ ở lại trong vòng 3 tháng để vừa đón Tết Cổ truyền, vừa điều trị hiếm muộn.
5 năm sống tại Bang California (Mỹ) với chị Quỳnh (29 tuổi) và chồng là anh Trung (40 tuổi) cũng gặp không ít khó khăn trên hành trình "tìm con".
Anh Trung có tỷ lệ tinh trùng dị dạng đến 80%, chị Quỳnh bị rối loạn nội tiết, kinh nguyệt thưa thớt, lạc nội mạc tử cung dẫn đến khó có con tự nhiên. Họ điều trị bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và 2 chu kỳ IVF, một lần có thai nhưng không may sảy vào tuần thứ 8, những lần chuyển phôi sau đó vẫn không thành công.
Một chu kỳ IVF tại Mỹ khoảng hơn 30 nghìn USD (hơn 700 triệu đồng), IUI khoảng gần 4 nghìn USD (khoảng 100 triệu đồng). Vợ chồng đều là người Việt, bôn ba ở xứ người. Chị Quỳnh làm kế toán cho một cửa hàng giày nhỏ, còn chồng làm nhân viên văn phòng, cuộc sống tạm ổn nhưng nhiều lần điều trị thất bại khiến kinh phí đội lên cao, họ dần kiệt quệ.
Có kinh nghiệm sau nhiều lần điều trị tại Mỹ như khó khăn trong đặt lịch hẹn với bác sĩ, khó giao tiếp chuyên sâu y học, chi phí lớn… Trước khát khao có con, từ nước Mỹ, vợ chồng chị kết nối với phòng khám online miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, được bác sĩ Lê Xuân Nguyên hướng dẫn các thủ tục cần thiết, xét nghiệm thực hiện trước khi về nước. Chi phí điều trị một chu kỳ IVF tại Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh khoảng 100-120 triệu đồng, chỉ bằng 1/7 so với chi phí điều trị tại Mỹ.
Chị Quỳnh quyết định nghỉ không lương, ưu tiên điều trị để có con. Đầu tháng 12/2023, khác những chuyến đi và về trước đây, chuyến hồi hương lần này của vợ chồng chị gửi gắm rất nhiều hy vọng...
Vợ chồng chị Quỳnh được bác sĩ Lê Xuân Nguyên khám, xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp, chọc hút thu được 15 trứng trưởng thành chất lượng tốt. Anh Trung được thu mẫu tinh dịch. Các chuyên gia lọc rửa, lựa chọn những trứng và tinh trùng chất lượng tốt để thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), thụ tinh, nuôi cấy được 9 phôi, trong đó 7 phôi tốt ngày 5 và 2 phôi ngày 6, toàn bộ phôi được trữ đông.
Chị Quỳnh được nội soi buồng tử cung phát hiện có viêm tử cung. Hiện chị đang được điều trị tình trạng viêm, cân bằng nội tiết tố, ức chế lạc nội mạc tử cung. Dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán, anh Trung trở lại Mỹ để tiếp tục công việc, ủy quyền cho chị Quỳnh ở lại Việt Nam thực hiện các bước tiếp theo. Nếu suôn sẻ, chị Quỳnh sẽ được chuẩn bị niêm mạc và chuyển phôi vào giữa tháng Giêng. Nếu đậu thai, chị ở lại Việt Nam theo dõi thai kỳ trong 3 tháng đầu và trở lại Mỹ chậm nhất vào tháng 5/2024 để đoàn tụ cùng chồng.
Còn vợ chồng chị Huyền trở về nước vào cuối tháng 12/2023, hiện vừa bắt đầu quá trình điều trị kích thích buồng trứng. Ở tuổi 44, chị Huyền có chỉ số dự trữ buồng trứng thấp, AMH chỉ còn 0.7, được chỉ định gom phôi khoảng 2-3 chu kỳ. "Tôi tin tưởng vào sự phát triển của y tế Việt Nam, trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam và công nghệ nuôi phôi của IVF Tâm Anh", chị Huyền nói và cho biết, nếu quá trình điều trị dài hơn 3 tháng so với dự định, chị sẵn sàng ở lại Việt Nam thêm khoảng 2 tháng với quyết tâm có con. Sau đó sẽ trở lại Đức bắt đầu lại cuộc sống.
Em bé người Philippines được sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Theo trang researchandmarkets, năm 2022, thị trường thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam thu về 132,43 triệu USD, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 7,47%.
Tỷ lệ mắc các vấn đề về sinh sản ở cả hai giới ngày càng tăng, do bệnh lý, môi trường ô nhiễm, lối sống lạm dụng chất kích thích. Ngoài ra, xu hướng kết hôn muộn và tỷ lệ sinh giảm ở Việt Nam dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phòng khám và bệnh viện IVF ở Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản, mang tới triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.
Cũng theo researchandmarkets, Việt Nam là điểm đến ưa chuộng đối với khách du lịch y tế muốn điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, làm đẹp hoặc chăm sóc răng miệng. "Sự kết hợp giữa chi phí thấp, đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại sánh ngang với thế giới và dịch vụ tận tâm là những lý do khiến ngày càng nhiều người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế tại Việt Nam", ThS.BS Giang Huỳnh Như giải thích.
Tại Mỹ, một chu kỳ IVF có giá khoảng hơn 30 nghìn USD (hơn 700 triệu đồng), tại Australia kỹ thuật này khoảng 500 triệu đồng/chu kỳ điều trị, tại New Zealand dù chi phí mềm hơn nhưng vẫn ở mức cao khoảng 12.000 - 17.000 USD (300 - 400 triệu đồng). Với nhiều trường hợp khó, tỷ lệ thất bại cao, việc phải thực hiện IVF nhiều chu kỳ khiến người bệnh càng tăng gánh nặng.
Ở Việt Nam, chi phí cho một chu kỳ TTTON chỉ khoảng 4.000-5.000 USD. Theo tạp chí Forbes, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các nước ASEAN khác. Trong khi đó, tỷ lệ IVF thành công ở Việt Nam dao động từ 40-70%. Trong đó, IVF Tâm Anh là trung tâm có tỷ lệ IVF Thành công trung bình cao vượt trội: 68,5%, tính trên số liệu 70% là ca khó, từng thất bại nhiều lần trước đó.
Về máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cùng kỹ thuật điều trị, Việt Nam đã tiệm cận với các nước trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến hệ thống phòng "lab-in-lab" siêu sạch tiêu chuẩn ISO 5 hiếm có trên thế giới, hệ thống tủ nuôi cấy phôi cao cấp trang bị camera quan sát liên tục và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị kính hiển vi đảo ngược độ phóng đại 200 lần, hệ thống kính vi phẫu cao cấp trong điều trị vô sinh nam, công nghệ thủy tinh hóa hiện đại nhất cho đến nay trong kỹ thuật trữ đông trứng và tinh trùng…
"Tại hệ thống phòng lab của IVF Tâm Anh, các chuyên gia phôi học có thể thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao cấp phục vụ quá trình HTSS, như kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng (AH), kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM), sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) phôi ngày 5, trữ phôi, noãn, tinh trùng, xét nghiệm sinh thiết tử cung Era test xác định chính xác ngày chuyển phôi, điều trị dự phòng viêm niêm mạc tử cung... Những kỹ thuật mà trước đây khách hàng phải ra nước ngoài để thực hiện thì nay có thể thực hiện ngay tại phòng lab của IVF Tâm Anh", bác sĩ Như bày tỏ.
Các Trung tâm hỗ trợ sinh sản trong nước cũng đẩy mạnh dịch vụ cao cấp, giúp khách hàng tận hưởng được sự riêng tư, bảo mật thông tin. Ngoài ra, nỗ lực rút ngắn tối đa quy trình điều trị vô sinh, hiếm muộn mà không ảnh hưởng kết quả, trung tâm cũng liên kết với nhiều đơn vị công chứng, văn phòng luật để hỗ trợ thủ tục pháp lý cho người bệnh… Chi phí hợp lý so với các nước, tỷ lệ IVF thành công cao. Đó là ‘lực hấp dẫn’ khiến làn sóng người nước ngoài, Việt kiều tìm đến Việt Nam điều trị hiếm muộn.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú đang tư vấn phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Hoài Thương
Theo bác sĩ Như, từ nhiều năm nay, IVF Tâm Anh đã trở thành điểm đến của hàng nghìn vợ chồng hiếm muộn từ các quốc gia khắp thế giới như: Nga, Mỹ, Anh, Canada, Singapore, Philippines, Úc, Nhật Bản, Campuchia… Họ đến đây qua giới thiệu của bác sĩ địa phương hoặc bạn bè, người thân sau khi đã thụ tinh ống nghiệm thành công tại IVF Tâm Anh.
Năm 2023, lượng bệnh nhân đến điều trị hiếm muộn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Hệ thống BVĐK Tâm Anh, tăng trưởng gần 100%. Trong đó, có khoảng 15% là người nước ngoài, Việt kiều. Đặc biệt, trong hai tháng cuối năm 2023, các bác sĩ đã tiếp nhận khám gần 30.000 trường hợp, tăng gấp 3 lần so với các thời điểm khác trong năm và chiếm 1/3 lượng bệnh nhân nói chung.
Càng cuối năm, lượng kiều bào về nước điều trị hiếm muộn càng gia tăng. Nhiều trường hợp như chị Quỳnh - anh Trung, đăng ký khám online để được bác sĩ tư vấn từ xa trước khi quyết định về nước điều trị.
Với 70% là trường hợp khó như bệnh nhân lớn tuổi, vô sinh nhiều năm, vợ giảm dự trữ buồng trứng, lớn tuổi, điều trị nhiều lần ở các nước sở tại thất bại, tốn kém nhiều chi phí, gặp nhiều khó khăn khi điều trị ở nước ngoài… Sau khi điều trị bằng phác đồ cá thể hóa phù hợp nhất với tình trạng, họ đã có con "chính chủ" mà không phải xin trứng hoặc tinh trùng.
Cuối tháng 6/2023, các bác sĩ IVF Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh vui mừng khôn xiết khi biết tin chị Mascarenas Ma. Cecille Torralba (43 tuổi) vượt cạn an toàn, sinh con trai đầu lòng khỏe mạnh tại Philippines.
Cậu bé là một trong những em bé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) do ThS.BS Giang Huỳnh Như, giám đốc IF Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Trước khi đến Việt Nam, bố mẹ bé vô sinh hơn 10 năm, nhiều lần nỗ lực điều trị IVF trong nước thất bại do lớn tuổi, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) thấp, chất lượng trứng suy giảm nhiều, tỷ lệ thụ tinh thấp, tỷ lệ phôi phân chia bất thường cao. Được một bác sĩ khuyên nên đến Việt Nam, bởi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Philippines còn hạn chế, vợ chồng chị đã tìm đến IVF Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Tháng giữa tháng 10/2022, họ có mặt tại Việt Nam và thành công sau lần chuyển phôi thứ hai. Họ trở về Philippines với niềm hy vọng lớn dần trong bụng. Sau hành trình thai kỳ suôn sẻ, chị Torralba vượt cạn thành công, bé trai 3kg khỏe mạnh chào đời.
"Điều đó giống như ‘phép màu’ bởi trường hợp của vợ chồng tôi quá khó, các bác sĩ trong nước gần như chịu thua. Đến khi được bác sĩ Việt Nam điều trị, góp nhặt từng hy vọng, vợ chồng tôi mới thành công có con. Vợ chồng tôi cảm ơn bác sĩ Giang Huỳnh Như và Bệnh viện Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh", chị Torralba xúc động nói.
20h thứ Sáu, 5/1/2024, các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh sẽ tư vấn trực tuyến về "IVF cho kiều bào, người nước ngoài & ở xa". ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, bác sĩ Trung tâm, ThS.BS Dương Quang Huy, bác sĩ Nam khoa sẽ giải đáp các băn khoăn, hướng dẫn chi tiết thủ tục cần thiết, những xét nghiệm nên thực hiện trước khi về Việt Nam… giúp quá trình điều trị thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi, và sớm trở lại nước sở tại đúng kế hoạch.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp trực tuyến trong chương trình
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!