Cà phê muối, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai... là một vài trong số nhiều món ăn gây chú ý trong năm 2023. Không ít thực khách xếp hàng rồng rắn, vượt vài chục cây số, sẵn sàng móc hầu bao dù giá không rẻ ở thời điểm đầu ra mắt.
Nhu cầu tăng đột biến, nhiều người trẻ cho rằng đó là cơ hội để kinh doanh. Họ dốc vốn để bắt trend, chạy theo trend, nhưng vì là xu hướng, những món ăn này chỉ nở rộ một thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng hết thời để nhường chỗ cho những ẩm thực mới.
Nếu kinh doanh là một ván cờ, thì những đồ ăn theo trend không khác gì những quân cờ, có người thắng và có kẻ thua. Không ít cửa tiệm kinh doanh món ăn theo trend rơi vào cảnh lao đao, ''sớm nở tối tàn''. Chỉ có số ít tồn tại được theo thời gian.
Cà phê muối, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai... là một vài trong số nhiều món ăn gây chú ý trong năm 2023.
Chạy theo trend để kinh doanh, doanh số giảm quá nửa chỉ trong thời gian ngắn. Không ít người kinh doanh theo trào lưu vỡ mộng. Cầm cự, được đồng nào hay đồng ấy. Anh Quang, chủ xe bán cà phê muối di động, không nghĩ đến việc thu hồi vốn.
"Giảm đi từ một nửa đến 60%. Giờ chỉ còn 20 - 30 cốc. Ế lắm em chỉ được 10 cốc, được một lúc, không bán được thì em dọn về. Đầu tư ra kinh doanh như thế này em thấy cũng khá buồn. Đó là kinh nghiệm để em không kinh doanh theo các trend như trà chanh hay trà sữa Quảng Đông", anh Đinh Văn Quang, chủ xe bán cà phê muối di động, chia sẻ.
Hết trend thì hết khách. Nhiều quán ăn lại lựa chọn cho mình lối đi riêng. Chạy theo một thứ quá rủi ro, nơi đây tổng hợp tất cả các xu hướng ẩm thực của năm 2023. Lựa chọn "đu" mọi trend mà thị trường đang theo đuổi, nếu kinh doanh như ván cờ thì bước đầu đi sai vẫn có cơ hội sửa.
"Khi mình cập nhật những món mới thì khách hàng sẽ có xu hướng thử các món mới. Chủ yếu 70% là khách quen, có khi ngày nào họ cũng qua, có những khách qua 3 - 4 lần một tuần. Cảm giác bây giờ như một thức ăn, lâu lâu không ăn họ lại thèm", chị Trần Bích Thủy, chủ quán ăn ''Tổng hợp trend 2023'', cho biết.
Hương vị là yếu tố chính giữ chân thực khách vì sự độc đáo, lạ mắt chỉ gây được ấn tượng đầu sau đó mờ phai khi xu hướng đi qua. Không ít món ăn giữ được chỗ đứng bất chấp các trào lưu. Hơn 20 năm trôi qua, một món ăn vặt ngày đó vẫn còn được rất nhiều những thực khách ngày nay đón nhận - chè đỗ xanh.
Kinh doanh luôn có rủi ro. Để bền vững, nói không với tâm lý thời vụ là cách người kinh doanh theo trend hạn chế, thậm chí thay đổi quy luật sớm nở, chóng tàn.
Đó là tâm lý chung của người tiêu dùng trẻ hiện nay khi họ sẵn sàng chi tiền đề "nếm trend", chứ không phải thưởng thức hương vị thực sự. Khi một người dùng mạng xã hội tin vào những thông tin dựa trên việc thông tin đó có đông người thích hay không, nhiều lượt theo dõi hay không, thì lúc đó sẽ là thời điểm họ dễ dàng biến mình và người khác trở thành nạn nhân của những thông tin giả, chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.
Hậu quả khôn lường từ những trào lưu độc hại trên mạng xã hội
Từ những thông tin sai lệch, hay tệ hơn nữa là lệch lạc những chuẩn mực xã hội ngày càng phổ biến. Bởi mỗi nội dung hình ảnh các tài khoản tạo ra luôn được đông đảo người dùng mạng xã hội quan tâm và nghiễm nhiên trở thành chuẩn, dù thực tế không ai hiểu cái chuẩn đó đến từ đâu.
Không biết làm bài mà vẫn có điểm, có không ít video hướng dẫn người học "đi đường tắt" bằng cách khoanh lụi với những lời giới thiệu "có cánh". Hí hửng khoanh bừa ai ngờ kết quả sai trật lất.
"Từ nào có đuôi "ly" và "ing" thì khoanh theo và em cũng thử áp dụng như vậy thì nó sai hoàn toàn so với đáp án thầy cô chữa cho", em Lê Minh Ngọc, TP Hà Nội, chia sẻ.
Tư vấn về cách thi cho đến cách chọn trường, ai cũng tự cho mình là chuyên gia trên mạng xã hội. Để rồi người trẻ chạy theo trào lưu, ngay cả khi đó là một trong những quyết định quan trọng của cuộc đời mình. 3 năm, 3 trường, nhưng đến nay Trâm, huyện Thường Tín, Hà Nội, vẫn chưa chọn được ngành học đúng ý.
"Nếu các bạn năm sau đã đi thực tập thì em chỉ mới học năm 2. Đôi khi em nghĩ là mình có đang kỳ vọng quá cao vào những gì mình không thể làm được không, nhưng em không đặt nặng cái việc bao giờ ra trường cho lắm. 22 hay 24 tuổi ra trường nó không còn quan trọng", chị Nguyễn Lê Thùy Trâm, huyện Thường Tín, Hà Nội, cho hay.
Đặt cược cả tương lai mình vào những trào lưu nhất thời trên mạng xã hội, nên không khó hiểu khi nhiều bạn trẻ hiện nay dễ bị cuốn vào các trào lưu độc hại. Mỉa mai, châm chọc về từng vùng miền, thậm chí nói lái, công kích bằng những ngôn từ miệt thị, hiện tượng phân biệt vùng miền trên mạng xã hội là một trong những trào lưu phản cảm trong năm vừa qua.
"Hôm nay chúng ta chỉ coi đó như một trò đùa, như một kiểu chơi chữ mà chúng ta quên mất rằng nó có thể là khởi nguồn để chia rẽ dân tộc. Điều đó rất là đau lòng", nhà văn Hoàng Anh Tú nhận định.
Tính chất "ảo" của mạng xã hội cho phép mọi người sử dụng công cụ biến họ trở nên khác xa ngoài đời, thậm chí là lố bịch và phản cảm, để chúng ta tin rằng mình nắm quyền chủ động nhưng lại bị chi phối, điều khiển bởi chính môi trường ấy.
Bất chấp kiếm tiền trên mạng xã hội
Mới hôm qua, nhiều người còn tất bật với công việc thường ngày, không ai biết tới, nhưng chỉ với vài clip trên mạng, họ bỗng có hàng nghìn người "like", hàng nghìn người theo dõi, nhận được hàng nghìn bình luận tung hô, hay thậm chí là những tranh cãi, chửi bới. Những điều đó khiến họ choáng ngợp và nghĩ mình như những "đại minh tinh". Họ chìm đắm trong vòng hào quang ảo.
Để thỏa mãn ham muốn nổi tiếng của bản thân, nhiều người bất chấp đánh đổi mọi thứ, làm bất cứ yêu cầu từ người xem - những chủ nhân ảo để kiếm tiền trên mạng xã hội. Trong thế giới cách nhau một màn hình đó, tốt - xấu lẫn lộn như thách thức bản lĩnh của người dùng.
Khiêu dâm, thậm chí bôi chất thải lên người, chính người tham gia PK, hay được gọi là thách đấu trực tuyến, còn phải tự thốt lên trước hành động phản cảm, nhưng dị hợm, mới dễ hút người xem tặng quà, thứ đổi ra tiền mặt.
"Có thể một ngày các bạn bỏ ra hai tiếng đồng hồ thôi, họ có thể bỏ ra một số tiền bằng các bạn đi làm bằng một tháng lương. Ví dụ như sư tử thì các bạn fan sẽ nạp vào là 10 triệu đồng và mình quy ra mình chỉ được tầm 3,5 triệu thu về", một TikToker chia sẻ.
Việc nhẹ lương cao nên người livestream nghĩ ra đủ cách để lách luật. Nền tảng chặn trào lưu này, xu hướng khác lại mọc lên.
Còn trào lưu NPC, thay vì chờ thách đấu rồi xem người chơi trả kèo như PK, hiện người xem được trực tiếp yêu cầu thực hiện hành động. Giá trị quà càng lớn, hành động càng độc lạ, thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Đáng báo động, một bộ phận khán giả xem các phiên trực tiếp chứa ít hàm lượng thông tin bổ ích là trẻ em. Dù theo TikTok, 18 tuổi trở lên mới được xem và tặng quà.
Đã từng có gia đình lên tiếng về việc con gái mình bỏ ra 400 triệu đồng tặng quà cho người phát trực tuyến. Đó là thiệt hại về vật chất. Còn những thiệt hại không thể đong đếm được, đặc biệt với thế hệ trẻ. Khi các em học theo những hành vi ứng xử thiếu văn hóa và xem người lớn đánh đổi cả nhân phẩm để kiếm tiền.
Nghĩ ngược lại và làm khác đi
Để ngăn chặn những trào lưu xấu độc hại không có cách nào khác là phải nhân rộng sự tích cực để đẩy lùi tiêu cực, muốn "chống" thì phải "xây". Năm 2023 vừa qua, nhiều trào lưu tích cực đã đem lại nhiều thay đổi đáng kể trong quan điểm sống cũng như cách trải nghiệm của người trẻ.
Phá vỡ lối mòn, nghĩ ngược lại và làm khác đi là cách mà nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội lựa chọn để lan tỏa các giá trị tích cực. Đôi khi nghĩ đơn giản đi là một thành công và đi ngược lại số đông lại là chiến thắng.
Khi việc đánh giá đồ ăn trở thành "cần câu cơm", những nhà phê bình ẩm thực online không còn giữ được tính chất khách quan như thời gian đầu, Vinh đã lựa chọn hướng đi khác, đó là đi ngược lại, chuyên review những sản phẩm không nên mua, những hàng quán không nên ghé.
Phá vỡ lối mòn, nghĩ ngược lại và làm khác đi là cách mà nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội lựa chọn để lan tỏa các giá trị tích cực.
"Mình chú trọng vào cái thứ khác, đó là không gian và trải nghiệm khi mọi người đến ăn. Mình muốn trở thành một khách hàng chân thật nhất, đến trải nghiệm như một người bình thường qua những gì mình cảm nhận được. Quán mình đánh giá phải được đánh giá bởi rất nhiều người rồi mình mới đi đánh giá các quán đó", anh Nguyễn Đắc Quang Vinh, chủ kênh TikTok David Link, chia sẻ.
Đôi khi đi ngược xu hướng lại là một cách để tạo ra xu hướng. Khi những kiến thức lịch sử vẫn được coi là khô khan, khó nhớ và tưởng chừng như chẳng còn chút hấp dẫn nào với giới trẻ, đội ngũ marketing của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chứng minh điều ngược lại.
"Nhìn lại hành trình và những điều lan tỏa đến cộng đồng thì bọn em rất tự hào. Tất cả những gì chúng em đạt được đều xuất phát từ các giá trị mà rất nhiều thế hệ đi trước đã để lại. Mọi người có thể cảm nhận được là lượt khách đến đã tăng lên hay mọi người nhắc đến Hỏa Lò nhiều hơn, nhưng điều chúng em mong muốn nhất là tất cả giá trị sẽ được mọi người đến tận nơi và cảm nhận", đội ngũ marketing của Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết.
Sự mới lạ, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội đã giúp những địa điểm du lịch quen thuộc tại địa phương trở nên được ưa chuộng hơn. Điển hình có thể kể đến chủ đề tour du lịch tham quan đêm đã chứng kiến bước "nhảy vọt" về lượng tìm kiếm đến 462% so với năm trước.
"Ban ngày họ phải làm chuyên môn, thời gian buổi tối dành cho gia đình và đến để phục vụ du khách. Bước ra khỏi Văn Miếu là 11h30, có người 12h30 mới về đến nhà dù sáng hôm sau vẫn đi làm bình thường. Phải làm thế nào để mời được khách đến và họ hài lòng thì đối với đội ngũ thuần chuyên môn là cả một sự nỗ lực", ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho hay.
Tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, tận dụng sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông đã giúp diện mạo của ngành du lịch khởi sắc trong năm vừa qua. Thay vì chạy theo xu hướng, người trẻ chọn cách để xu hướng chạy theo chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!