Chương trình tư vấn trực tuyến Trĩ rò diễn ra vào 8/8/2023. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Trĩ là bệnh phổ biến ở Việt Nam, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Các lứa tuổi khác nhau có thể mắc bệnh, nhiều nhất ở độ tuổi 40 - 60 tuổi. Theo nghiên cứu của hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ ở nước ta là 35-50%. Tỷ lệ nữ tuy mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%) nhưng nam giới bị ảnh hưởng và dễ gặp biến chứng hơn nữ giới.
Bên cạnh bệnh trĩ thì rò hậu môn là bệnh vùng hậu môn trực tràng phổ biến thứ 2. Rò hậu môn có các triệu chứng tương tự bệnh trĩ nhưng nặng nề hơn, gây nhiều phiền toái hơn cho sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Bệnh rò hậu môn chủ yếu do biến chứng sau phẫu thuật hoặc từ các bệnh lý khác như áp xe hậu môn, vỡ trực tràng, vi khuẩn lao...
Nhằm giúp người dân hiểu hơn về các bệnh lý phổ biến, tiếp cận các kiến thức y khoa chính thống, cập nhật các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ và rò hậu môn, tối ngày 8/8/2023, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Trĩ rò, các kỹ thuật điều trị mới nhất, hiệu quả, ít xâm lấn". Chương trình có sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Hệ thống BVĐK Tâm Anh: TTƯT.PGS.TS.BS Triệu Triều Dương, Giám đốc khối Ngoại, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; ThS.BS Lê Văn Lượng, khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Chia sẻ tại chương trình, TTƯT.PGS.TS.BS Triệu Triều Dương cho biết, trĩ là cấu trúc bình thường của cơ thể con người, chỉ được coi là bệnh lý khi có triệu chứng. Thói quen ăn uống, thói quen nghề nghiệp, bị táo bón kéo dài… dẫn đến tăng áp lực ổ bụng là những nguyên nhân phổ biến gây bệnh trĩ. Những người làm văn phòng phải ngồi nhiều, ít vận động, hay những người lái xe đường dài, nam giới uống rượu bia nhiều, những người bị táo bón mạn tính là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ.
Có một nhóm khán giả cùng thắc mắc, tại sao hiện nay có rất nhiều người mắc bệnh trĩ. Thường nữ giới hay nam giới sẽ mắc bệnh nhiều hơn? Bệnh có liên quan đến tuổi tác hay do nguyên nhân nào? ThS.BS Lê Văn Lượng giải đáp, trĩ bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Thông thường nguyên nhân bị trĩ có thể do thói quen thiếu khoa học trong sinh hoạt hàng ngày, do viêm nhiễm đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, tăng áp lực ổ bụng (béo phì, mang thai, vận động sai quy tắc)… có thể tăng nguy cơ mắc trĩ. Bệnh trĩ phát triển theo thời gian, bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 45-60 tuổi. Bệnh nhân là nữ có xu hướng nhiều hơn so với nam giới vì liên quan đến sinh nở.
ThS.BS Lê Văn Lượng trả lời giải đáp độc giả trong chương trình livestream. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Trong chương trình, rất nhiều khán giả thắc mắc về phương pháp điều trị. Nhiều người e ngại đi khám và điều trị vì sợ đau, sợ nằm viện dài ngày và việc phẫu thuật ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Giải đáp các thắc mắc này, PGS Triều Dương cho biết, trĩ và rò hậu môn là bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Đặc biệt, trĩ là bệnh thường gặp, chiếm 40 - 50% ở lứa tuổi trung niên. Tuy hai bệnh lý này đều lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ, rò và đa dạng các kỹ thuật can thiệp tối thiểu như tiêm xơ thắt cắt trĩ điểm, tiêm xơ nội soi, khâu triệt mạch, cắt khoanh niêm mạc hoặc sử dụng nhiệt năng như lygasur, laser, phẫu thuật lạnh, cắt bằng máy cao tần... Do đó việc điều trị cũng cần dựa trên tình trạng bệnh và lựa chọn cơ sở uy tín, nơi có thiết bị hiện đại, các chuyên gia giỏi giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
PGS Triều Dương chia sẻ thêm, hiện nay dù có hàng ngàn phương pháp điều trị trĩ - rò hậu môn nhưng chưa có phương pháp nào được xem là tiêu chuẩn vàng. Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ tổn thương và giai đoạn bệnh, bác sĩ có kinh nghiệm sẽ đánh giá đúng và lựa chọn một hoặc phối hợp các phương pháp giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Đặc biệt, tạo hình trĩ bằng laser là phương pháp tiếp cận ít xâm lấn với nhiều lợi ích và giảm nguy cơ tai biến, biến chứng trong điều trị bệnh lý trĩ - rò hậu môn.
PGS Triệu Triều Dương giải đáp thắc mắc trong chương trình livestream. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Câu hỏi của một khán giả đồng tính nam gửi đến chương trình, tôi tìm hiểu thì được biết người đồng tính nam có nguy cơ bị trĩ rất cao. Tôi muốn hỏi hệ lụy của việc quan hệ ở đường khác thường so với sinh lý bình thường có tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và các bệnh ở đường hậu môn không, có nguy hiểm hay không và chúng tôi có thể làm gì để bảo vệ sức khỏe cho mình?
Trả lời thắc mắc của khán giả, ThS.BS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, tại BVĐK Tâm Anh đã chữa trĩ cho rất nhiều khách hàng đồng tính. Việc quan hệ đường hậu môn có thể khiến cơ vòng ở vùng hậu môn dễ bị tổn thương. Tuy nhiên chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học nào đưa ra kết luận, quan hệ bằng đường hậu môn có nguy cơ mắc trĩ cao hơn bình thường. Theo kinh nghiệm và thực tế điều trị tại bệnh viện, những người đã điều trị trĩ rất dễ tái phát nếu quan hệ không đúng cách. Do vậy, đối với những người đồng tính nam nên thực hiện an toàn tình dục, dùng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường hậu môn, giảm nguy cơ tái phát bệnh trĩ – rò hậu môn.
Với thời lượng 120 phút, chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc của khán giả. PGS Triệu Triều Dương khuyến cáo, tuy số lượng người mắc bệnh trĩ và rò hậu môn đến khám và điều trị ngày càng tăng nhưng chưa phản ánh đúng số người mắc bệnh. Tâm lý e ngại khiến nhiều người đến bệnh viện khi bệnh ở giai đoạn nặng gây khó khăn cho việc điều trị, dễ mắc các biến chứng chảy máu, tắc mạch. Để giảm nguy cơ mắc trĩ, người bệnh cần tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày, ăn uống lành mạnh, tránh lạm dụng chất kích thích, thức ăn nhiều gia vị, vận động thể lực thường xuyên, quản lý tốt các bệnh mạn tính.
ThS.BS Nguyễn Văn Hậu trả lời trong livestream. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Khi có các triệu chứng táo bón trong một thời gian dài, đại tiện chảy máu hay thường xuyên bị kích thích, ngứa hậu môn, đau rát khi đại tiện… người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, nhất là các kỹ thuật ít xâm lấn nhằm hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng sống, giảm nguy cơ biến chứng và tái phát sau điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!