Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô được thông qua không chỉ là tin vui lớn với người dân, chính quyền Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, xứng tầm của thành phố trong tương lai.
Theo dõi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô, cử tri Hà Nội mong mỏi, với những cơ chế đột phá, bộ Luật này sẽ góp phần đưa Hà Nội phát triển bền vững hơn, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước.
Luật Thủ đô gồm 7 Chương, 54 Điều, tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012. Luật được bổ sung nhiều điểm mới thể hiện sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong nhiều lĩnh vực, như tổ chức chính quyền đô thị, huy động nguồn lực xây dựng Thủ đô.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: ''Khi trao quyền cho Hà Nội, mọi quyết định của Hà Nội cần phải được công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch chính là cơ chế kiểm soát quyền lực tốt nhất, cũng là cơ chế huy động được nguồn lực, sự tham gia, đóng góp của người dân vào các mục tiêu phát triển Thủ đô. Và khi chúng ta công khai, minh bạch, chúng ta tạo được sự đồng thuận thì dễ nhận được sự đồng tình, tạo ra sức mạnh cho việc thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn''.
Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/1 năm sau. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!