Lá cờ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 02/09/2024 21:16 GMT+7

VTV.vn - Ở miền hải đảo xa xôi, mỗi lá cờ treo lên, mỗi cột cờ được dựng lên là niềm tự hào, là niềm tin của người Việt trong hành trình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong những ngày này, lá cờ Tổ quốc là hình ảnh được chia sẻ nhiều trên các mạng xã hội. Lá cờ Tổ quốc được trang trọng vẽ lên mái nhà, được treo dọc các con phố trong niềm vui mừng của ngày Quốc Khánh, ngày được nhiều người gọi là Tết Độc lập.

Ra đảo đá làm nghề nuôi ốc, nhưng không biết tự bao giờ anh Tiến (thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) đã trở thành "hiệp sĩ" bảo vệ môi trường biển đảo quê hương.

Mỗi năm, lượng chim hải âu về sinh sản trên đảo chim Thanh Lân này mỗi đông. Niềm tự hào nhất của anh giờ không còn là sản lượng ốc thu được, mà là một đảo chim bay rợp trời, với lá cờ Tổ quốc anh tự dựng lên tại cột mốc tọa độ biển đảo quốc gia.

"Mình yêu lá cờ, đấy là máu, là hồn cốt của dân tộc", anh Hoàng Văn Tiến bày tỏ.

Lá cờ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 1.

Nghi lễ thượng cờ trang trọng tại Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. (Ảnh: VOV)

Trên hành trình bám biển, lá cờ Tổ quốc là niềm tin, niềm tự hào của những tàu cá Việt Nam.

"Tàu của chúng tôi thường đi làm ngoài biển nên lúc nào chúng tôi cũng treo cờ Tổ quốc", bà Nguyễn Thị Hiền (ngư dân tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ.

Hiên ngang trước gió bão, có tỷ lệ 1:1 với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, cột cờ chủ quyền đặt trên đảo Cô Tô là niềm tự hào của cư dân nơi biển đảo tiền tiêu Đông Bắc.

"Mỗi khi bản Quốc ca cùng với lá cờ bay trước biển, chúng tôi cảm thấy một tình yêu, một cảm xúc rất dâng trào và khó tả. Ra đến vùng biển đảo, ở vùng biển đảo tiền tiêu như vậy và các thế hệ cha ông của chúng ta đã xây dựng, bảo vệ, ngày hôm nay chúng ta càng phải thấy trách nhiệm của mình hơn nữa", ông Nguyễn Việt Dũng (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Quảng Ninh) cho biết.

"Cảnh giác với các thế lực thù địch âm mưu diễn biến, nên môi trường biển đảo chúng ta phải giữ vững", anh Hoàng Văn Tiến (thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) nhấn mạnh.

"Lá cờ Tổ quốc là của đất nước Việt Nam và chúng tôi rất là tự hào về dân tộc mình", bà Nguyễn Thị Hiền (ngư dân tỉnh Quảng Ninh) nói.

Cảm xúc về Tết Độc lập

Cứ mỗi độ thu về, cả dân tộc Việt Nam lại hân hoan chào đón ngày Quốc khánh. Nhân dịp này, các phóng viên VTV đã ghi lại những cảm xúc về ngày Tết Độc lập. Những cảm xúc đó có thể là của những người đã suốt 79 năm qua lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày 2/9/1945 lịch sử, hay cũng có thể là từ những người trẻ được sinh ra trong hòa bình, chưa từng biết đến chiến tranh, nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mua thu Cách mạng lại về.

Trong giờ học lịch sử của học sinh lớp 4 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cô giảng, trò nghe về ngày Quốc khánh. Những đôi mắt không rời màn hình máy chiếu, Quảng trường Ba Đình lịch sử, tiếng Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn.

Với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Tết Độc lập cũng gợi lên thật nhiều cảm xúc. Về thăm lại ngôi trường đã nhiều năm gắn bó, câu chuyện bà kể với học sinh là cuộc Duyệt binh lịch sử ngày 2/9/1975 - kỷ niệm tròn 30 năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập và cũng đúng dịp Miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng.

"Đoàn duyệt binh đi qua phố Hai Bà Trưng, từ 4 - 5h sáng, rất đông người dân đón chờ đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam diễu binh qua", Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch Hội đồng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) cho biết.

Ông Dũng (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), người trông coi căn nhà cổ cũng có những kỷ niệm không quên về Tết Độc lập. Được tự tay chăm chút các vật dụng trong nhà, nơi Bác Hồ đã dừng chân nghỉ, trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, với ông Dũng là niềm vinh dự, tự hào.

"Vào 23 - 25/8/1945 Chủ tịch và đoàn cán bộ đã ở và làm việc ở tại ngôi nhà. Chúng tôi rất tự hào về những sự kiện đã để lại tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An", ông Công Ngọc Dũng cho hay.

Từng nhiều lần bị tù đày, rồi vượt ngục trở về tham gia lãnh đạo chính quyền tại Quảng Nam, vị tướng quân đội Huỳnh Đắc Hương năm nay đã ở tuổi 104. Ông vẫn nhớ như in ngày 2/9/1945, Ủy ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam tổ chức mít tinh mừng thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa, tiếp âm lời Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập từ Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ký ức về ngày Tết Độc lập sẽ mãi không phai mờ, với những người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho Đất nước như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương hay những thế hệ được sinh ra trong hòa bình. Lá cờ đỏ sao vàng sẽ mãi là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, của tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc lan tỏa tình yêu đất nước Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc lan tỏa tình yêu đất nước

VTV.vn - Phong trào "vẽ lá cờ Tổ quốc trên nóc nhà" đã bùng nổ, thu hút hàng triệu lượt xem và lan tỏa sâu rộng trên mạng xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước