Làm cách nào để đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch tới người dân?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Gần 1 nửa dân số toàn quốc chưa có nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong khi đó, tỷ lệ các công trình cấp nước không hoạt động hoặc kém hiệu quả chiếm tới hơn 40%.

Ngày 29/4 sẽ bắt đầu Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường. Chủ đề của năm nay là "Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người". Nhiều năm qua, nước sạch luôn là vấn đề cấp thiết, và chúng ta đã nhiều lần ban hành chiến lược quốc gia về nước sạch, với nhiều giải pháp chính sách, nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi. Tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn vẫn còn thấp, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Nhất là vào mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân

Mùa mưa ở miền Bắc bắt đầu, nhưng tại xã Dìn Chin- vùng cao núi đá của huyện Mường Khương vẫn đang khan hiếm nước nghiêm trọng. 100% hộ dân chỉ có nguồn nước tự chảy từ các khe núi, nhưng đều cạn kiệt. Cộng đồng địa phương luân phiên lấy nước theo giờ.

Hàng vạn công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng những năm qua nhưng sau đó không ít công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Khắc phục bất cập trên như thế nào là vấn đề đặt ra với các cấp chính quyền, ngành chức năng.

Đến hết năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng được trên 18 nghìn công trình cấp nước hợp vệ sinh trên toàn quốc. Sau thời gian dài hoạt động, đã có 1/3 số công trình hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân và các trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên 27 % công trình hoạt động kém hiệu quảGần 15 % công trình không còn hoạt động. Theo Trung tâm quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay, đa số công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả hoặc xuống cấp là các công trình qui mô nhỏ, đã được xây dựng trên 15 năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, địa phương không có đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng mới công trình ở các địa phương này đang gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng nhiều công trình cấp nước ở các vùng nông thôn, miền núi đang xuống cấp, hoặc vận hành không hiệu quả, nhiều địa phương đã và đang triển khai thí điểm cách vận hành mới. Tức là việc quản lý công trình cấp nước sẽ được giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa phương, thay vì chính quyền và cộng đồng quản lí như trước.

Công trình cấp nước thôn 31, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2003, sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho chính quyền và cộng đồng quản lý. Nhưng chỉ sau 1 thời gian, nhiều hạng mục công trình đã hỏng hóc, xuống cấp.

Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra các mục tiêu: đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; đến năm 2045: 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Để đạt được các mục tiêu này, cần sớm tìm ra các mô hình quản lý hiệu quả dịch vụ cấp nước, đặc biệt cần có chính sách xã hội hóa hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp để giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã cung cấp thêm thông tin để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước