Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả?

Nhóm PV-Thứ sáu, ngày 13/01/2023 14:04 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án không hiệu quả, gây mất rừng diện tích lớn nhưng chỉ xử lý phạt hành chính, việc thu hồi dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố...

Lâm Đồng: Cho thuê rừng làm dự án không hiệu quả còn gây… mất rừng Lâm Đồng: Cho thuê rừng làm dự án không hiệu quả còn gây… mất rừng

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án tại Lâm Đồng nhiều năm qua triển khai chậm, không có hiệu quả trong khi diện tích rừng cho thuê bị xâm phạm hoặc...biến mất.

Như Báo điện tử VTV News đã phản ánh trong bài viết Lâm Đồng: Cho thuê rừng làm dự án không hiệu quả còn gây… mất rừng, nhiều doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án kết hợp bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhiều năm không có hiệu quả, thậm chí để lại nhiều hệ lụy gây thất thoát tài nguyên rừng, mất rừng. Trong đó có trường hợp của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thành Nam (Công ty Thành Nam) tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả? - Ảnh 2.

Diện tích đất rừng giao cho Công ty Thành Nam (Lạc Dương, Lâm Đồng) thuê làm dự án và quản lý sụt giảm hàng chục ha (vị trí khoanh đỏ) sau nhiều năm.

Sau gần 2 tháng phản ánh, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng mới đây cho biết, qua kiểm kê, thẩm định cho thấy, hiện nay trên diện tích quản lý của Công ty TNHH Xây dựng Thành Nam bị giảm tổng cộng 20,56 ha so với hồ sơ kiểm kê rừng năm 2007 và 2011. 

Trong các năm trước, doanh nghiệp này từng bị phát hiện làm mất 4,56 ha rừng và đã phải thực hiện việc đền bù giá trị lâm sản với phần diện tích bị mất trên. Với phần diện tích bị giảm do mất rừng mới được kiểm kê gần đây, Sở NN&PTNT đang yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Thành Nam cung cấp các hồ sơ, tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan làm cơ sở để tính toán giá trị tài nguyên rừng và yêu cầu công ty thực hiện việc bồi thường tài nguyên rừng theo quy định.

Theo đánh giá của một cán bộ kiểm lâm trên địa bàn, việc doanh nghiệp được giao quản lý rừng nhưng lại làm thiệt hại cộng dồn 20,6 ha rừng trong nhiều năm là một diện tích rất lớn. Tuy không phải sự việc lớn nhất tại Lâm Đồng song đã gây ra nhiều hệ lụy.

Trao đổi về việc xử lý doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án chưa thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ rừng, làm dự án nhiều năm không hiệu quả, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xử lý hiện nay là xử phạt hành chính, căn cứ xử phạt theo các theo quy định tại các Văn bản số 6213/UBND-LN ngày 27/9/2018 và số 1614/UBND-LN ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm đồng, hiện nay việc giám sát quá trình đầu tư của doanh nghiệp và việc xử lý các doanh nghiệp kinh doanh trên đất rừng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều sở, ngành và địa phương. Về xử lý các sai phạm, đối với dự án không thực hiện đúng chủ trương đầu tư, dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai thực hiện sẽ "căn cứ kết quả kiểm tra sẽ xử phạt hành chính đối với các dự án để xảy ra sai phạm, sau khi xử phạt nhà đầu tư tiếp tục vi phạm thì chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, tùy theo tính chất và mức độ sai phạm", ông Lâm nhấn mạnh.

Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả? - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng trao đổi về các giải pháp giám sát, xứ lý doanh nghiệp đăng ký thuê đất rừng làm dự án không hiệu quả. Ảnh. Quang Tuấn.

Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thuê đất rừng nhiều, vi phạm cũng nhiều song trong thời gian qua số lượng bị xử lý không nhiều. Thống kê trong năm 2022, có 8 doanh nghiệp bị thu hồi dự án liên quan đến đất rừng. Trong số này, có nguyên nhân thu hồi do doanh nghiệp chủ động dừng và có 3 trường hợp bị thu hồi do chậm tiến độ. Trường hợp doanh nghiệp gây mất rừng cũng chỉ xử lý hành chính.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, sở dĩ khó thực hiện thu hồi dự án đầu tư liên quan đất đến rừng của doanh nghiệp vi phạm, một phần do việc thu hồi phải tập trung một chỗ, phải tính toán để không thu hồi từng điểm mất rừng nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác thực hiện đăng ký mới. Cũng theo Sở này, hiện nay, đa số dự án quản lý, bảo vệ rừng có diện tích lớn, nằm ở vùng sâu, vùng xa, tiếp giáp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng và thiếu nên việc quản lý cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả? - Ảnh 4.
Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả? - Ảnh 5.
Lâm Đồng: Khó thu hồi dự án thuê đất rừng đầu tư không hiệu quả? - Ảnh 6.

Dự án thuê đất rừng đầu tư kinh doanh sau hàng chục năm vẫn chậm tiến độ, không có hiệu quả.

Như đã phản ánh, trong những năm vừa qua, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia đăng ký thuê đất rừng làm dự án và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau hàng chục năm được chấp thuận đầu tư, tiến độ của các doanh nghiệp không thực hiện như cam kết, nhiều hạng mục không hoàn thành, trong khi đó diện tích đất rừng được giao mất dần, rừng bị thu hẹp, điển hình như Công ty TNHH Xây dựng Thành Nam (huyện Lạc Dương), làm thất thoát hơn 20ha rừng tài nguyên.

Mức độ vi phạm là vậy nhưng công tác rà soát và xử lý của cơ quan chức năng hiện nay khá ‘ì ạch’, dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm làm ngơ hoặc ‘bình chân như vại’. Để chấn chỉnh việc đầu tư trong lĩnh vực rừng và đưa mục đích của việc xã hội hóa bảo vệ khai thác tài nguyên rừng về đúng như mục tiêu ban đầu, thì việc xử lý những doanh nghiệp này cần biện pháp thực tế hơn, thay vì chỉ xử phạt hành chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước