Bùng phát dich tả lợn châu Phi
4 tháng nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành với hàng chục ổ dịch, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Các tỉnh có số lợn chết, tiêu hủy trên 2.000 con là Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Đắk Lắk và Tiền Giang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh này yêu cầu chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi.
Xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 16/11, chỉ trong thời gian ngắn dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng tại 13 hộ chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An chỉ xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, qua đợt mưa lũ mầm bệnh phát tán rộng. Đặc biệt, việc người dân vứt xác lợn chết xuống các tuyến kênh mương đang khiến mầm bệnh dễ dàng lây lan và khó kiểm soát.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh cũng xuất hiện ở nhiều địa phương. Mới đây nhất, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 19 ổ dịch với tổng đàn gần 1.000 con. Biện pháp dập dịch, chống lây lan đang được địa phương tập trung triển khai.
Tính đến ngày 8/12, cả nước ghi nhận 689 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 45 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là gần 32.500 con.
Số ổ dịch và số lợn tiêu hủy đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không có nghĩa là ngành chăn nuôi được phép chủ quan. Nhất là khi số ổ dịch và số lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng tăng từ tháng 8 đến nay. Tình hình cho thấy, việc dập dịch, ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch lây lan cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.
Người chăn nuôi vẫn e dè về vaccine tả lợn châu Phi
Vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất đã được tổ chức nghiên cứu, sản xuất công phu, bài bản theo các quy định của ngành thú y Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn về vaccine thú y thế giới.
Tính hiệu quả, an toàn của vaccine cũng đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên kể từ khi vaccine được phép sử dụng rộng rãi hồi tháng 7 đến nay, số lợn được tiêm vaccine vẫn còn khá khiêm tốn vì nhiều lí do.
Đến thời điểm này mới có gần 500.000 liều vaccine tả lợn châu Phi được đưa vào sử dụng. Con số này mới chỉ đạt 0,1% tổng số lượng lợn thịt đưa vào giết mổ trên cả nước trong 1 năm.
Vaccine chủ yếu mới được tiêm tại các trang trại lớn, các chuỗi chăn nuôi khép kín. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng vẫn rất nhỏ giọt trong khi dịch bệnh đang có chiều hướng bùng phát mạnh. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về loại vaccine mới này.
Ông Ngô Văn Hải - huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho hay: "Trước nghe nói tiêm vaccine là chết lợn. Đặt hàng ở hợp tác xã nhưng sau đó hợp tác xã cũng trả lại tiền không dám tiêm".
Một liều hợp tác xã tả lợn châu Phi hiện có giá 60.000 đồng. Cùng với các vaccine khác như lở mồm long móng hay tai xanh thì chi phí vaccine cho một con lợn đang lên tới vài trăm nghìn đồng. Đây là gánh nặng không nhỏ với người chăn nuôi trong bối cảnh thua lỗ từ đầu năm đến nay.
Người chăn nuôi e ngại chi phí vaccine
Cũng dễ hiểu khi giá vaccine là một trong những yếu tố băn khoăn của người chăn nuôi. Bởi nuôi 1 con lợn từ khi bắt đầu cho đến khi xuất chuồng, người chăn nuôi phải gánh nhiều chi phí, riêng về vaccine là gần 10 loại.
Theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những loại vaccine bắt buộc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn cổ điển. Tùy từng địa phương mà các vaccine này sẽ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí.
Ngoài ra, để đàn lợn khoẻ mạnh và phát triển tốt, suốt 5 tháng, người chăn nuôi thường sẽ phải tiêm thêm các loại vaccine tự chọn như phòng suyễn, bệnh tai xanh, viêm da…
Ước tính trung bình, chi phí vaccine trên mỗi một con lợn sẽ khoảng 200.000 đồng. Nay lại cộng thêm vaccine tả lợn châu Phi hiện dao động 60.000 - 80.000 đồng cho mỗi con.
Với các hộ chăn nuôi có số lượng lợn lớn vài nghìn con, tổng chi phí vaccine có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là một chi phí không hề nhỏ, trong bối cảnh giá lợn hơi thu mua nhiều tháng đều thấp ngang hoặc dưới giá thành.
Tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận vaccine dịch tả lợn châu Phi
Tuy nhiên, với một loại bệnh chưa có thuốc điều trị như dịch dịch tả lợn châu Phi, vaccine vẫn sẽ là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Công điện gần đây của Thủ tướng đã chỉ rõ, việc khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt là ưu tiên.
Chủ trương đã có nhưng khâu thực hiện đang còn không ít vướng mắc. Làm sao để các hộ chăn nuôi, nhất là những người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ có thể tiếp cận được vaccine đang là bài toán cần lời giải từ nhiều phía hiện nay.
Hiện cả nước có 2 đơn vị được cấp phép sản xuất và lưu hành tự do vaccine tả lợn châu phi. Tuy nhiên, chi phí của loại vaccine mới đang là trở ngại đầu tiên với người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam cho biết: "Hiện tại chúng tôi có công suất sản xuất từ 2 - 5 triệu liều/tháng, có thể tự tin cung cấp đủ cho Việt Nam. Giá cả nay đang hợp lí với chi phí nghiên cứu mà công ty đang bỏ ra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc các phương án để giảm giá cho người chăn nuôi".
Mặc vaccine dịch tả lợn châu Phi đã đủ điều kiện sử dụng rộng rãi từ tháng 7, nhưng đến nay mới duy nhất có tỉnh Cao Bằng chính thức mua vaccine đại trà cho người dân. Các địa phương khác mới đang dừng ở việc lập kế hoạch .
Hàng triệu hộ chăn nuôi đang mong chờ nguồn vaccine dồi dào với giá cả hợp lý. Để được như vậy, các địa phương cần được tháo gỡ vướng mắc về mặt cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Vaccine tả lợn châu Phi mới được phép cho lưu hành nên trong kế hoạch năm 2023 chúng tôi chưa kịp đưa vào để triển khai. Chính phủ phải có chủ trương thì chúng tôi mới có cơ sở pháp lí trình UBND tỉnh để có tài chính hỗ trợ loại vaccine này".
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lên kế hoạch bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào danh sách những bệnh phải phòng ngừa bắt buộc bằng vaccine. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương có kế hoạch sắp xếp kế hoạch, bổ sung nguồn kinh phí cho việc sử dụng vaccine này cho đàn lợn thịt.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, vẫn còn tình trạng các địa phương lơ là, chưa tổ chức chống dịch, chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ số liệu dịch bệnh theo quy định như các tỉnh: Đắk Lắk, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình. Thậm chí còn có tình trạng heo chết bị người dân vứt ra sông suối như ở Hòa Bình, Nghệ An… thời gian vừa qua. Cùng với đó là việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, không theo đúng quy định. Tất cả sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh phát tán, lây lan và kéo dài. Đỉnh điểm là vào cao điểm lưu thông, giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng vào cuối năm và dịp Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!