Sự tàn phá của cơn bão số 3 hồi tháng 9 vừa qua đã gần như cướp trắng những vườn trồng đào, trồng quất cho vụ Tết. Nhiều vườn đào - quất tại Nhật Tân - Tứ Liên (Hà Nội) vẫn đang trong quá trình phục hồi sau cơn bão, khi thời điểm hiện tại chỉ còn cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng.
Sau bão Yagi, những vườn quất, đào tại Tứ Liên và Nhật Tân bị dập nát, ngập úng, xác xơ. Dù vậy, những người dân tại đây vẫn xác định phải vớt vát những gì còn sót lại, đánh cây vào chậu, tiếp tục chăm sóc, tuốt lá để cung cấp kịp cho Tết Nguyên đán sắp tới.
Bà Ngô Thị Lan Huê - Chủ vườn quất đất tại Tứ Liên cho biết, những cây chết phải chặt đi, trồng mới sẽ không kịp nên buộc phải chọn lọc những cây có đầu rễ trắng, còn cứu được thì tiếp tục chăm sóc. Trong hoàn cảnh này, không thể đòi hỏi quá nhiều về tính thẩm mỹ của cây, chỉ cần cây khỏe, trụ được đến dịp Tết thì bà Huê sẽ cố gắng hết sức.
Cây nó chết đi, chặt như này rồi, bảo trồng mới thì không thể kịp được. Cái rễ nào mà đầu nó không trắng như này là nó thối, không cứu được; còn cây này đầu rễ nó ra trắng, là cứu được. Không biết từ giờ đến tết có tươi trở lại không.
Ông Trương Hữu Sử - Chủ vườn quất cảnh Sử Liên tại Tứ Liên cũng cho hay, chăm sóc những cây quất này phải theo chế độ đặc biệt, như vậy sẽ phục hồi được khoảng 50-60%. Cứ cây nào phục hồi lại được thì người dân tại đây lại phấn chấn hơn một chút, dù rằng tiền đầu tư sẽ phải tăng lên gấp đôi, dẫn đến chi phí và công sức bỏ ra phải nhiều hơn trước.
Hiện vẫn còn quá sớm để dự báo trước giá đào và quất năm nay sẽ biến động như thế nào. Nhưng về sản lượng ra thị trường thì chính quyền quận Tây Hồ tin rằng vẫn sẽ đảm bảo đủ nguồn cung ra thị trường dịp Tết. Quận Tây Hồ cũng ước tính ảnh hưởng của mưa bão đối với làng đào quất nói chung là 140 ha. Để chia sẻ khó khăn với nông dân, ngân sách cũng đã được chi và liên tục bổ sung.
Đồng chí Trần Gia Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội cho biết: "Với nguồn vốn trước đây là 20 tỷ và ngay kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường, chúng tôi cũng có đề xuất, Hội đồng nhân dân quận cũng đã quyết định để UBND quận Tây Hồ chuyển tiếp 10 tỷ nữa tổng là 30 tỷ cho bà con nhân dân trong vùng lũ lụt vay phục hồi sản xuất đối với các ngành nghề, đặc biệt là đào quất trên địa bàn. Ngoài ra, ở các hợp tác xã cũng có nguồn quỹ dự phòng kịp thời trích để động viên bà con".
Ông Trần Tuấn Việt - Chủ vườn đào Tuấn Việt tại Nhật Tân chia sẻ: "Năm nay có nhiều khó khăn phải khắc phục, từ các yếu tố chăm sóc như loại phân bón như thế nào, thuốc trừ sâu ra sao… để giữ cho cây còn lá vì sau bão cây bị đập dập nát rất nhiều, mà phục hồi những cây đó cần rất nhiều công sức. Thường những cây gãy thì vẫn sẽ đôn đảo và sau đó dồn vào khu vực đất mới, chăm sóc khắc phục, cắt sửa và uốn nắn lại. Đến hiện nay thì công tác khắc phục cũng đã xong rồi".
Theo các nhà vườn, thời điểm này đã liên tục nhận được đơn đặt hàng của các mối quen với số lượng lớn. Và phải đến trung tuần tháng 12 âm lịch mới biết chính xác lượng cây cho vụ Tết tới thừa thiếu như thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!