Tối 11/3, tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tổ chức khai mạc chương trình Lễ hội ánh sáng với chủ đề "Thế giới cà phê - Bừng sáng Ban Mê".
Chương trình Lễ hội ánh sáng gồm 3 phần: Sân khấu hóa với nội dung "Lửa - Cội nguồn của ánh sáng"; trình diễn ánh sáng - Lighting Show "5 châu hợp nhất"; nghệ thuật tổng hợp đương đại với ánh sáng laser "Tỏa sáng cà phê Buôn Ma Thuột".
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực Quảng trường 10/3 thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến thưởng thức các màn biểu diễn sôi động, đặc sắc, hiện đại nhưng cũng đậm chất núi rừng Tây Nguyên, đem lại trải nghiệm mới lạ, thú vị cho người xem.
Anh Trần Tiến Thành, du khách đến từ Khánh Hòa chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh tham gia Lễ hội ánh sáng ở phố núi Buôn Ma Thuột, với những tiết mục đặc sắc từ hiệu ứng ánh sáng làm nổi bật chủ đề "Thế giới cà phê - Bừng sáng Ban Mê". Đây cũng là điểm nhấn tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn cho Lễ hội Cà phê, để lại nhiều ấn tượng đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, lan tỏa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần vào thành công chung của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội ánh sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hiện đại kết hợp giữa công nghệ và ánh sáng, tạo ấn tượng, điểm nhấn quan trọng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh thành phố, thu hút du khách đến với Lễ hội. Các phần biểu diễn thể hiện chủ đề của Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" và có sự gắn kết hài hòa với Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tạo nên một tổng thể nghệ thuật chung trong Lễ hội Cà phê năm nay.
Cuốn hút vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn"
Vở ca kịch gồm 5 chương: Chương 1 - "Dam Săn và H’Nhi", chương 2 - "Xử tội Mtao Msei", chương 3 - "Buôn sang trông cậy", chương 4 - "Nơi miền sáng", chương 5 - "Mặt trời lên trên cao nguyên bao la". Tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk biểu diễn với các diễn viên chính: Y Kô Niê, Nghệ sĩ Ưu tú Y Joel Knul, H’Lueng Niê, Nguyễn Minh Chi, Y Moan Hmok, MLô Y Yức...
Tỉnh Đắk Lắk là nơi có 49 dân tộc anh em hội tụ. Cùng với những nét văn hóa dân gian độc đáo, văn hóa nhà dài, văn hóa mẫu hệ, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và văn hóa sử thi… đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sưu tầm, công bố nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó, có những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây Nguyên xưa như Khing Ju, Xinh Nhã…, đặc biệt phải kể tới Dam Săn. Sử thi Dam Săn do nhà dân tộc học người Pháp Xa-bat-chiê sưu tầm được ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Êđê - Pháp tại Pari năm 1927.
Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại. Sử thi Dam Săn tái hiện quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, với những tù trưởng anh hùng, nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.
Trên nền Sử thi Dam Săn, trong vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn", nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên những tình tiết mới như: Sự khao khát của nữ thần Mặt trời mong có được Dam Săn, nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trời tặng vầng ánh sáng nhiệm mầu cho Dam Săn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!